Lịch sử cho thấy tổ chức và cơ
chế vận hành của xã hội luôn phụ thuộc vào trình độ phát triển của xã hội, nhất
là trình độ phát triển của sản xuất, vào đặc điểm của thời đại ở từng giai đoạn
cụ thể. Các xã hội trước chủ nghĩa tư bản chưa có kinh tế thị trường, chưa có
tam quyền phân lập giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp; chưa có xã hội dân sự
và vai trò của xã hội dân sự. Kinh tế thị trường, tam quyền phân lập, xã hội
dân sự là những yếu tố gắn liền với chủ nghĩa tư bản, được xem như là những yếu
tố đặc trưng của chủ nghĩa tư bản. Nhưng khi khuyên nước ta phải thực hiện
những điều này, họ không biết rằng ngay trong chủ nghĩa tư bản, những yếu tố này
cũng không phải là bất biến mà có sự thay đổi, phát triển, sự tồn tại của chúng
trong thời kỳ đầu của chủ nghĩa tư bản và trong chủ nghĩa tư bản hiện đại ngày
nay có rất nhiều điểm khác nhau, nhiều yếu tố đặc trưng của chủ nghĩa tư bản đã
bị vượt qua.
Kinh tế thị trường trong thời
kỳ đầu của chủ nghĩa tư bản là kinh tế thị trường tự do cạnh tranh. Trong nền
kinh tế đó, sự tác động tự phát của các quy luật của kinh tế thị trường đã dẫn
đến các cuộc khủng hoảng chu kỳ, sự phân cực xã hội sâu sắc, tạo nên những bất
ổn, xung đột xã hội, do đó, đòi hỏi phải có vai trò điều tiết của nhà nước,
khắc phục những khuyết tật của cơ chế thị trường. Các nền kinh tế thị trường
hiện đại ở các nước tư bản phát triển ngày nay đều là các nền kinh tế thị
trường có sự quản lý, điều tiết của nhà nước. (kinh tế thị trường tự do ở Mỹ,
kinh tế thị trường xã hội ở Đức, kinh tế thị trường phúc lợi xã hội ở các nước
Bắc Âu, kinh tế thị trường nhà nước phát triển ở Nhật Bản, Hàn Quốc).
Với sự điều tiết của nhà nước,
chủ nghĩa tư bản đã phát triển trở thành chủ nghĩa tư bản nhà nước, một bước
phát triển mới của chủ nghĩa tư bản. Cùng với sự can thiệp, điều tiết của nhà
nước, trong nền kinh tế thị trường hiện đại ngày nay, tổ chức công ty, một chủ
thể chính trong nền kinh tế thị trường, cũng thay đổi; hầu như tất cả các công
ty, tập đoàn kinh tế siêu quốc gia, xuyên quốc gia đều là công ty cổ phần, có
sự tham gia của nhiều chủ sở hữu, thuộc nhiều thành phần xã hội, kể cả người
lao động. Ngay từ thế kỷ XIX, khi các công ty cổ phần, hình thức sở hữu cổ phần
mới xuất hiện, C.Mác đã cho rằng đây là sở hữu tư nhân được xã hội hóa, là sự
phủ định đối với sở hữu tư nhân cá thể và điều này diễn ra ngay trong lòng chế
độ tư bản.
Tam quyền phân lập là nguyên
tắc tổ chức của nhà nước tư bản để không tập trung quá nhiều quyền lực nhà nước
vào một cơ quan nhất định bằng sự phân chia quyền lực và kiểm soát lẫn nhau
giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tuy nhiên, tuy cũng dựa trên
nền tảng của nguyên tắc tam quyền phân lập, nhưng ở các nước tư bản phát triển,
do mỗi nước có truyền thống lịch sử, văn hóa, có những điều kiện đặc thù của
mình, nên không có mô hình tổ chức nhà nước giống nhau, mà có nhiều mô hình tổ
chức nhà nước khác nhau (Mô hình ở Mỹ, ở
Anh, ở Pháp đều có sự khác nhau...).
Đồng thời và quan trọng hơn là
ngày nay, trong nền chính trị hiện đại ở các nước tư bản phát triển, đều phải
thừa nhận rằng quyền lực nhà nước là thuộc về nhân dân. Nhân dân bằng lá phiếu
của mình bầu nên Quốc hội, Tổng thống, phê chuẩn các thành viên chính phủ. Bởi
vậy, mặc dù có sự phân chia quyền lực, sự độc lập, đối lập giữa các nhánh quyền
lực lập pháp, hành pháp, tư pháp, nhưng tất cả đều phải tính đến phản ứng của
nhân dân, của xã hội, phải sử dụng quyền lực trong phạm vi quy định của pháp
luật. Các đảng chính trị ra đời, đề ra các chủ trương, chính sách quản lý, phát
triển đất nước; tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ chủ trương, chính sách
của mình, bỏ phiếu cho các ứng cử viên của đảng trong các cuộc bầu cử Quốc hội,
bầu cử Tổng thống. Đảng giành được nhiều phiếu nhất trong Quốc hội được quyền
thành lập chính phủ. Lãnh đạo của Đảng trở thành Tổng thống, Thủ tướng; đảng
trở thành đảng cầm quyền, thông qua quyền lực nhà nước thực hiện chủ trương,
chính sách của mình. Tổng thống và Quốc hội có quyền bổ nhiệm các thẩm phán của
tòa án tối cao. Khi đảng cầm quyền có đa số trong Quốc hội, Tổng thống, Thủ
tướng và nhiều thành viên chính phủ là người của đảng cầm quyền; Tổng thống,
Quốc hội có quyền bổ nhiệm thẩm phán thì tam quyền phân lập giữa lập pháp, hành
pháp, tư pháp, sự kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan này, giữa các nhánh
quyền lực nhà nước ở các nước tư bản phát triển đã không còn hoàn toàn như
trước. Chẳng lẽ những người cổ vũ, tuyệt đối hóa nguyên tắc tam quyền phân lập
trong tổ chức bộ máy nhà nước không thấy điều này?
Đường lối
đổi mới phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng
nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đưa
nước ta vào dòng chảy của thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội để phát triển
đất nước là đúng đắn, phù hợp với xu thế của thời đại và điều kiện của đất nước
Nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa mà nước ta phát triển là nền kinh tế thị trường hiện
đại, hội nhập quốc tế, vừa vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh
tế thị trường, đồng thời có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp
với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế có nhiều hình
thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh
tế hợp tác và cạnh tranh bình đẳng theo pháp luật. Hoạt động của các doanh
nghiệp nhà nước, việc phân bổ các nguồn lực kinh tế của nhà nước được thực hiện
theo cơ chế thị trường, phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển
của đất nước. Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế, hoạt
động ở mọi ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Các quyền sở hữu tài sản, tự
do kinh doanh, tự do lưu thông được bảo vệ; phát triển đầy đủ, đồng bộ các loại
thị trường, tạo cơ sở cho các quy luật của kinh tế thị trường hoạt động, phát
huy vai trò của mình; hội nhập kinh tế quốc tế được đẩy mạnh, phát triển ngày
càng sâu rộng. Nhà nước quản lý đất nước bằng luật pháp, chính sách, quy hoạch,
kế hoạch và sử dụng các nguồn lực kinh tế nhà nước để giữ ổn định kinh tế vĩ
mô, ổn định xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; điều
tiết, định hướng phát triển nền kinh tế; cung cấp các dịch vụ công thiết yếu, bảo
đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường. Nhà nước không can
thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp bằng mệnh lệnh hành chính. Thị trường đóng
vai trò chủ yếu trong quyết định giá cả, huy động, phân bổ các nguồn lực, điều
tiết lưu thông hàng hóa, điều tiết hoạt động của doanh nghiệp, thanh lọc những
doanh nghiệp yếu kém. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ
chức xã hội của nhân dân có chức năng phản biện, giám sát hoạt động của các cơ
quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước; phản ánh nhu cầu, nguyện vọng, bảo
vệ quyền, lợi ích của các tầng lớp nhân dân, vận động nhân dân thực hiện các
chính sách đúng đắn của nhà nước, tác động đến quan hệ cung - cầu lao động,
hàng hóa trên thị trường...
Nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa với cơ cấu và cơ chế vận hành như vậy là nền kinh tế thị
trường hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế, kế thừa những thành tựu phát
triển của chủ nghĩa tư bản; đồng thời, phát triển, có những yếu tố bảo đảm định
hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là vai trò quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, vai
trò nền tảng của kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể; thực hiện phân phối vừa
theo kết quả lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, vừa theo mức đóng góp vốn,
các yếu tố sản xuất khác, đồng thời phân phối qua hệ thống an sinh xã hội, phúc
lợi xã hội; kết hợp phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến
bộ và công bằng xã hội phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, bảo vệ môi
trường; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thực
hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nhà nước ta là nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; quyền lực nhà
nước là do nhân dân ủy quyền, thay mặt nhân dân quản lý đất nước; có sự phân
công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp,
hành pháp, tư pháp theo. Giữa các cơ quan lập pháp (Quốc hội), hành pháp (Chính
phủ), tư pháp (Tòa án) có sự kiểm soát lẫn nhau, nhưng không phải là sự kiểm
soát của những lực lượng đối lập nhau, mà quyền lực của các cơ quan này đều do
nhân dân ủy quyền, phân công để thực hiện các chức năng khác nhau, đều do cùng
một đảng cầm quyền lãnh đạo, nên còn có trách nhiệm phối hợp với nhau để nâng
cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.
Tổ chức bộ máy nhà nước, chức
năng, quan hệ phối hợp, kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan lập pháp, hành
pháp, tư pháp đều thực hiện theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; hoạt động
của các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên của Đảng cầm quyền cũng phải trong
khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; Nhà nước quản lý đất nước, quản lý xã hội
bằng pháp luật, theo pháp luật. Cùng với sự kiểm soát lẫn nhau giữa các nhánh
quyền lực nhà nước, Nhà nước còn chịu sự giám sát của nhân dân, Mặt trận Tổ
quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội của nhân dân theo quy
định của pháp luật. Tổ chức và phương thức hoạt động của Nhà nước như vậy phù
hợp với các chuẩn mực phổ biến của nhà nước pháp quyền trên thế giới. Nhưng
điểm khác biệt lớn của Nhà nước ta so với nhà nước pháp quyền ở các nước tư bản
trên thế giới là pháp luật của Nhà nước ta là để phục vụ nhân dân, thực hiện
quyền làm chủ của nhân dân, phát triển đất nước nhanh, bền vững để nâng cao đời
sống vật chất của nhân dân, là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Đường lối, chính sách đúng đắn
của Đảng, Nhà nước được sự đồng tình ủng hộ, tích cực thực hiện của nhân dân đã
tạo nên những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, tạo nên cơ đồ, tiềm lực, vị
thế của đất nước như ngày nay. Không có lý do gì để Đại hội XIII của Đảng phải
làm theo lời khuyên của những người muốn kéo lùi lịch sử, đưa đất nước phát
triển theo con đường tư bản chủ nghĩa./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét