Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

Chủ nghĩa dân túy và âm mưu “diễn biến hòa bình”




Chủ nghĩa Dân túy là gì?
Thuật ngữ chủ nghĩa dân túy xuất hiện những năm 1890 ám chỉ phong trào nông dân Mỹ và Đảng Dân chủ Mỹ chống lại những người cộng hòa thường sống ở đô thị. Nó cũng được sử dụng để đề cập đến phong trào trí thức tự ghét bỏ tầng lớp mình và đồng cảm với giai cấp nông dân ở Nga vào cuối thế kỷ XIX. Những năm 1950, thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi để mô tả các phong trào chính trị khác nhau, từ chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản châu Âu tới chủ nghĩa chống cộng McCathy của Mỹ và chủ nghĩa Peron của Argentina. Một số học giả liên kết chủ nghĩa dân túy với sự thất vọng về sụt giảm của tài sản hoặc địa vị; số khác lại liên hệ với nỗi niềm hoài cổ của các nhà dân tộc chủ nghĩa; hoặc coi nó như một chiến lược chính trị.
Mãi tới năm 2004, Cas Mudde, nhà khoa học chính trị thuộc Đại học Georgia, mới đưa ra định nghĩa về chủ nghĩa dân túy, coi đây là một “hệ tư tưởng mỏng”, chỉ đơn thuần xây dựng nên một khuôn khổ: Một dân tộc trong sạch chống lại một tầng lớp tinh hoa mục nát. Hệ tư tưởng “mỏng” có thể được gắn liền với tất cả các hệ tư tưởng “dày” với nhiều nội dung đa dạng hơn, chẳng hạn như chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa dân tộc, tư tưởng chống đế quốc hoặc chống phân biệt chủng tộc, nhằm giải thích thế giới và biện minh cho những mục tiêu cụ thể 
Có nhiều cách hiểu khác nhau, song thực chất chủ nghĩa dân túy chính là những thủ đoạn chính trị mang tính chất mị dân, đánh vào tâm lý, quan điểm của đám đông để kêu gọi, tổ chức phong trào nhằm lôi kéo, tranh thủ quần chúng. Dân túy là khuynh hướng tư tưởng và chính trị nhấn mạnh sự tương phản giữa “nhân dân” với tầng lớp “tinh hoa”, với những biểu hiện dường như “phi chính trị”, bằng sự từ chối giới tinh hoa, từ chối những tư tưởng chính đang ngự trị trong xã hội để nói lên tiếng nói của người dân có vị trí xã hội thấp kém. Dân túy là chính sách của kẻ cơ hội tìm cách để giành được lòng tin của quần chúng và dư luận bằng những lời hứa êm tai nhưng trống rỗng, mang nặng cảm xúc nhất thời, thiếu trách nhiệm đối với tương lai chính trị của đất nước.
Những nhà dân túy thường có một điểm chung: Có sức hút cá nhân, có tài hùng biện và thuyết phục được số đông. Thời điểm để họ tỏa sáng thường là những lúc người dân phải đối mặt với những khó khăn do suy thoái kinh tế, bất ổn an ninh. 2016 là năm đánh dấu sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân túy trên thế giới. Phong trào dân túy hiện nay được coi như cuộc chiến giai cấp mới giữa những người được hưởng lợi từ một thế giới toàn cầu hóa với những người cảm thấy tụt hậu, bị bỏ rơi, bỏ lại phía sau.
Có thể khẳng định chắc chắn rằng, chủ nghĩa dân túy là một trào lưu tư tưởng phản động, được sử dụng nhằm đạt những mục đích chính trị không trong sáng; chủ nghĩa dân túy không phục vụ lợi ích cho số đông, chỉ phục vụ lợi ích của một giai cấp, một nhóm chính trị mà thôi. Bản chất phản động, đi ngược lại lý luận chủ nghĩa Mác của phái dân túy ở Nga đã bị V.I.Lênin phê phán mạnh mẽ trong tác phẩm “Những người bạn dân là thế nào, họ đấu tranh chống những người dân chủ - xã hội ra sao”.
Phải thừa nhận rằng, Việt Nam chúng ta sau nhiều năm đổi mới, hội nhập quốc tế, tình hình đất nước và đời sống mọi mặt của người dân đã được cải thiện rõ nét, song cũng dẫn tới những thay đổi sâu sắc trong xã hội. Trong đó có một số mặt theo hướng tiêu cực, do tác động của kinh tế thị trường, của hội nhập quốc tế như thất nghiệp; chênh lệch giàu nghèo; phát triển không đều giữa các vùng, miền; sự tha hóa, xuống cấp của đạo đức xã hội; sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; tình trạng tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; những mâu thuẫn trong nhân dân, những kiến nghị chính đáng, những nguyện vọng thiết tha của người dân chậm được giải quyết, khắc phục; sự xuất hiện lối sống xa hoa, lãng phí, coi thường đám đông người lao động bình dân của một số quan chức, của các cậu ấm, cô chiêu... đã gây nên sự bất mãn trong một bộ phận dân chúng. Đây chính là môi trường cho sự xuất hiện chủ nghĩa dân túy, là nguyên cớ rất thuận lợi để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng, khai thác, kích động nhân dân gây rối, bạo loạn.
Thực tế thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động đã khai thác tối đa trào lưu dân túy, đánh trúng vào tâm lý đám đông để kêu gọi, lôi kéo, xúi giục, kích động nhân dân biểu tình, gây rối, bạo loạn nhằm thực hiện “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” hòng lật đổ chính quyền, lật đổ chế độ ở Việt Nam. Chúng triệt để lợi dụng các vấn đề thời sự để kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa ly khai, trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia đa dân tộc. Chúng tuyên truyền rằng, người Kinh đã và đang chiếm đất của đồng bào dân tộc thiểu số, đẩy đồng bào vào chỗ khốn cùng. Thậm chí, thâm độc, trơ trẽn hơn, chúng còn quy kết nguyên nhân của các vụ thiên tai, hỏa hoạn xảy ra là do chính quyền Việt Nam kém năng lực, bàng quan, vô trách nhiệm. Từ đó, chúng kích động đòi quyền dân tộc tự quyết cho người dân tộc thiểu số, kích động người dân tộc thiểu số ly khai thành lập chính quyền mới như vương quốc Hơmông tự trị, nhà nước Đegar tự trị, nhà nước Khơme Crôm. Nguy hiểm hơn, chúng cho rằng Việt Nam không phải hợp tác quốc tế cũng vẫn phát triển bình thường, kêu gọi người dân phản đối, tẩy chay Việt Nam hội nhập quốc tế. Đây là các luận điệu vô cùng nguy hiểm, vì nó sẽ dẫn những người nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết đi vào con đường chống lại Đảng, Nhà nước, vi phạm Hiến pháp, pháp luật.
Như vậy, chủ nghĩa dân túy thực chất là trào lưu tư tưởng phản động, đi ngược lại những mục tiêu tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa mà toàn Đảng, toàn dân ta đang ra sức xây dựng. Lợi dụng chủ nghĩa dân túy để kích động nhân dân gây rối, bạo loạn chống lại chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước là âm mưu thâm hiểm của các thế lực thù địch, phản động cần phải nhận diện, đấu tranh, loại bỏ.
Vương Hoàng








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét