Thứ Năm, 10 tháng 1, 2019

GIÁ TRỊ CAO CẢ CHIẾN THẮNG CHIẾN TRANH BẢO VỆ BIÊN GIỚI TÂY NAM CỦA TỔ QUỐC VÀ CÙNG QUÂN DÂN CAMPUCHIA CHIẾN THẮNG CHẾ ĐỘ DIỆT CHỦNG



Trong không khí Việt Nam-Campuchia vui mừng, phấn khởi kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Việt Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979 – 7/1/2019), thì đây đó trên internet và mạng xã hội vẫn có những luận điệu xuyên tạc, cũ rích, cho rằng “Đây là cuộc chiến tranh xâm lược”; Việt Nam đã “lấn chiếm Campuchia cả trên đất liền và biển, đảo”...
Để thấy rõ bản chất phản động, luận điệu xuyên tạc của những quan điểm này, chúng ta đi tìm đâu là nguyên nhân cuộc chiến tranh này? Bản chất và ý nghĩa cao cả của cuộc phản công bảo vệ chủ quyền quốc gia; giải phóng dân tộc Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, diệt vong là gì? Để thấy rõ âm mưu, động cơ của chúng.
NGUYÊN NHÂN CỦA CUỘC CHIẾN TRANH
Theo nhiều tài liệu và chứng cứ còn lại, trong 3 năm (từ tháng 4-1975 đến cuối năm 1978), chính quyền Pol Pot đã thực hiện chính sách chính trị, kinh tế, xã hội hoang dã: Hủy bỏ tất cả quyền con người, quyền công dân-từ quyền sống đến các quyền tự do tối thiểu. Để làm “trong sạch dân cư”, chúng đã thực hiện chính sách giết hàng triệu người một cách dã man (đập chết bằng cuốc, xẻng, mổ bụng, moi gan... ). Gần 3 triệu người Campuchia đã bị giết chỉ trong gần 3 năm. Chúng xóa bỏ mọi cơ sở xã hội của một nền văn minh (như xóa bỏ thành thị, xóa bỏ sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp, xóa bỏ quan hệ hàng hóa-tiền tệ) đẩy cả dân tộc Campuchia vào thảm họa diệt vong, đồng thời xóa sổ cả nền văn hóa, văn minh của một dân tộc có bề dày hàng nghìn năm. Với Việt Nam, Pol Pot ra sức vu khống: “Việt Nam xâm lược, cướp đất, cướp đảo… của Campuchia”. Chúng kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, giết nhiều kiều bào Việt Nam; đòi hoạch định lại biên giới Việt Nam-Campuchia. Pol Pot tuyên bố Việt Nam là “kẻ thù truyền kiếp”, “kẻ thù số 1”, là “tai họa lớn nhất” của dân tộc Campuchia… Ngay sau khi Việt Nam hoàn toàn giải phóng, chúng tấn công đảo Phú Quốc (ngày 3-5-1975); tấn công đảo Thổ Chu (ngày 10-5-1975). Tại đây, chúng bắt và giết hơn 500 dân thường. Trên đất liền, chúng khiêu khích, tập kích vào bộ đội biên phòng, tự tiện di dời cột mốc biên giới ở các tỉnh: Tây Ninh, Kon Tum, Đắc Lắc…
Để thực hiện cuộc chiến này, chính quyền Pol Pot đã tích cực chuẩn bị về mọi mặt, nhất là về quân sự. Chúng phát triển quân chủ lực từ 7 sư đoàn khi mới giải phóng lên 12 sư đoàn quân chính quy với đầy đủ thành phần, binh chủng. Cuối tháng 4-1977, Pol Pot điều động 5 sư đoàn và hàng trăm khẩu pháo, xe tăng áp sát biên giới Việt Nam-thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn vào lãnh thổ vùng biên giới Tây Nam của Việt Nam.
CUỘC PHẢN CÔNG TỰ VỆ CỦA QUÂN VÀ DÂN TA
Trước khi chính quyền Campuchia do Pol Pot-Ieng Sari tiến hành tấn công vào biên giới nước ta, chúng ta không nghĩ rằng một quốc gia láng giềng từng được quân dân Việt Nam giúp đỡ, hy sinh cả xương máu để họ có được độc lập dân tộc có thể mở cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và  quay súng, giết hại nhân dân, giết hại đồng bào của  mình thì quân dân Việt Nam bằng quyền tự vệ chính đáng của mình đã giáng trả đích đáng. Đặc biệt, ngay sau khi Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia chính thức được thành lập (ngày 3-12-1978), đáp ứng lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia, từ ngày 23-12-1978, Quân tình nguyện Việt Nam cùng LLVT của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia mở cuộc tổng phản công-tiến công, lần lượt phá vỡ toàn bộ hệ thống phòng thủ của quân Pol Pot. Ngày 7-1-1979, Quân tình nguyện Việt Nam và LLVT của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia đã giải phóng Phnom Penh, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của tập đoàn phản động Pol Pot và chế độ diệt chủng ở Campuchia. Ngày nay, nhìn lại cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, chúng ta rút ra nhiều ý nghĩa cao cả:
Trước hết, bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ luôn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của quân dân ta. Trong bất cứ tình huống nào, quan hệ quốc tế nào, chúng ta cũng không được thiếu cảnh giác trong sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, giải thích sự kiện quân dân ta không giáng trả ngay bè lũ Pol Pot, nhiều đồng bào, cựu chiến binh ta nói rằng: Khi đó chúng ta nghĩ rằng không có chuyện quân đội Campuchia lại tấn công Việt Nam.
Mặc dù tình hình quốc tế và khu vực đã có những chuyển biến khác với thời kỳ "Chiến tranh lạnh" (1945-1991), tuy nhiên Việt Nam và Biển Đông là một trong những vị trí địa chính trị quan trọng trong khu vực. Cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn ở khu vực này có thể dùng các phương thức khác nhau để giành giật quan hệ quốc tế… Điều này có thể dẫn đến những xung đột giữa các nước nhỏ trong khu vực. Đây là một thực tế đã diễn ra trong lịch sử mà Việt Nam không thể không quan tâm.
Thứ hai, các sự kiện diễn ra trong cuộc chiến tranh này đã hoàn toàn bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trong và ngoài nước về cuộc chiến tranh, nhất là luận điệu “Việt Nam xâm lược, xâm lấn Campuchia”. Thực tế cho thấy, cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam là một cuộc chiến tranh bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc ta. Đồng thời cũng là cuộc chiến đấu bảo vệ sinh mạng-quyền con người của cả hai dân tộc Campuchia và Việt Nam; là cuộc chiến tranh chính nghĩa-cuộc chiến tranh tự vệ chính đáng, giáng trả kẻ thù xâm lược, ngoài ra không có mục tiêu nào khác.
Về nguyên nhân quân đội Việt Nam không rút về nước ngay trong năm 1979, Thủ tướng Hun Sen kể rằng: “Sau chiến thắng ngày 7-1-1979, nếu như theo kế hoạch ban đầu, bộ đội Việt Nam sẽ rút quân khỏi Campuchia ngay trong năm 1979. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Campuchia chưa đủ sức chống lại Pol Pot và cần thời gian để củng cố lực lượng cũng như khôi phục nền kinh tế của mình. Nếu Việt Nam rút quân và Pol Pot quay trở lại được thì sẽ càng nhiều người Campuchia bị giết”, “Chính phủ Việt Nam không muốn để quân ở lại. Phía chúng tôi đã yêu cầu họ như thế...”(1).
Thứ ba, về quan hệ Việt Nam-Campuchia, cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền của quân dân ta đã đồng thời giáng đòn quyết định đánh sập chế độ diệt chủng ở Campuchia, ngoài ra không có mục tiêu nào khác. Chiến thắng của quân dân ta cũng có thể nói là chiến thắng của tình đoàn kết hữu nghị truyền thống Việt Nam-Campuchia, khôi phục lại tình đoàn kết hữu nghị vốn có giữa hai Đảng và nhân dân hai nước. Thủ tướng Hun Sen từng kể rằng: Trước tình hình đó (nạn diệt chủng), ông đã quyết định chạy sang Việt Nam đề nghị giúp đỡ tổ chức phong trào kháng chiến giải phóng đất nước. Khi ấy, ông được biết thông tin một số người dân Campuchia cũng đã rời quê hương sang Việt Nam lánh nạn. Ông tin Việt Nam, vì đây là nước láng giềng đã từng đồng cam cộng khổ, kề vai sát cánh với Campuchia trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung giành độc lập. Trong chuyến thăm Việt Nam gần đây, ông nói: “Nếu không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì Campuchia không có ngày nay”.
Để thay cho lời kết, xin được trích lời khẳng định của Thủ tướng Hun Sen “Chúng ta có thể hỏi rằng trên thế giới này, có đất nước nào đã giúp nhân dân Campuchia, đặc biệt là giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot và ngăn cản sự quay lại của chúng? Câu trả lời chính là nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhân dân Campuchia có niềm tin, chỉ có tiên, có Phật mới cứu giúp được những phận người khi gặp khó khăn khốn cùng. Đúng vào lúc người dân Campuchia sắp chết, chỉ còn biết chắp tay khẩn cầu tiên, Phật tới cứu thì Bộ đội tình nguyện Việt Nam xuất hiện. Bộ đội Việt Nam chính là đội quân nhà Phật”
Thanh Bình


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét