Thứ Năm, 17 tháng 12, 2020

VẠCH MẶT NHỮNG KẺ ĐÒI "PHI CHÍNH TRỊ HÓA" LỰC LƯỢNG VŨ TRANG


"Phi chính trị hóa” quân đội, cảnh sát là luận điểm đã xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ở các nước tư bản phương Tây. Với chế độ đa đảng chính trị, để hạn chế sự can dự của quân đội, cảnh sát vào các cuộc tranh giành quyền lực chính trị, nhà cầm quyền các nước này đề ra luận điểm “phi chính trị hóa quân đội, cảnh sát”.

“Việt Nam phải “phi chính trị hóa” quân đội, công an” là một luận điệu mà các thế lực phản động, thù địch với Việt Nam vẫn rả rích tuyên truyền, với nhiều biến thể khác nhau, được phân chia thành nhiều nội dung cụ thể. Vấn đề đặt ra hiện nay là nhận diện thật rõ: Ai đòi Việt Nam phải “phi chính trị hóa” quân đội, công an? Họ là người như thế nào? Chúng ta phải đấu tranh chống các luận điệu sai trái đó như thế nào?

Thực tiễn đấu tranh tư tưởng ở Việt Nam đã lộ diện một số “gương mặt” đòi Việt Nam phải “phi chính trị hóa” quân đội, công an như sau:

Một là, một số “lý luận gia” tư sản, chính trị gia ở các nước phát triển phương Tây vốn thâm thù ý thức hệ xã hội chủ nghĩa (XHCN). Những người này chống cộng điên cuồng, chống Đảng Cộng sản Việt Nam bằng mọi giá. Từ thực tế ở Liên Xô, Đông Âu, họ rút ra kinh nghiệm muốn xóa bỏ chủ nghĩa xã hội (CNXH) trước hết phải xóa bỏ vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản đối với quân đội, công an. Những “lý luận gia” này đang làm việc trong bộ máy chính quyền nhà nước hoặc làm việc trong quân đội nên họ có điều kiện tác động vào chính sách đối ngoại của đất nước họ, đồng thời quyên góp, ủng hộ vật chất để đầu tư cho các chương trình tuyên truyền, xuyên tạc đòi “phi chính trị hóa” Quân đội nhân dân, Công an nhân dân Việt Nam.

Hai là, một số nhóm tàn dư của ngụy quân, ngụy quyền Việt Nam Cộng hòa ở nước ngoài. Thành viên các nhóm này bỏ chạy khỏi đất nước năm 1975, vốn là những người phản bội Tổ quốc, có nợ máu với nhân dân. Những hội, nhóm này tự xưng đảng phái, ủy ban, hội nọ, hội kia để lôi kéo những người Việt trẻ ở nước ngoài và các thành phần tàn dư của ngụy quân, ngụy quyền ở trong nước.

          Ba là, một số trí thức, văn nghệ sĩ suy thoái, biến chất, bất mãn chế độ trong nước. Đáng tiếc nhất, trong số này có cả một vài cán bộ cấp cao trong hệ thống chính trị, sau khi nghỉ hưu hoặc bị kỷ luật đã sa vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Họ đã thành lập những câu lạc bộ, hội, nhóm để chống phá đất nước, chĩa mũi dùi tấn công nền tảng tư tưởng bằng cách xuyên tạc bản chất chính trị của quân đội, công an.

          Bốn là, một bộ phận nhỏ người dân có nhận thức non kém về chính trị. Họ là trí thức trẻ, sinh viên, thanh niên, nông dân, công nhân... vì những lý do khác nhau, bị đầu độc bởi môi trường thông tin xấu độc, tham gia đòi “phi chính trị hóa” quân đội, công an.

“Phi chính trị hóa” quân đội, công an được xác định là nhiệm vụ trọng yếu của chiến lược “Diễn biến hòa bình” nhằm vào Việt Nam; các thế lực thù địch cho rằng, “phi chính trị hóa” quân đội, công an chính là con đường cơ bản để “vô hiệu hóa” vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chỉ có như vậy thì chúng mới có cơ hội làm “cách mạng sắc màu”, “cách mạng đường phố” ở Việt Nam.

Nếu như trước đây, các thế lực thù địch đòi “phi chính trị hóa” quân đội, công an thông qua đòi hỏi trực diện là xóa bỏ vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, công an, thì gần đây có những biến thể mới về nội dung. Cụ thể như:

           Dựa vào chính các nội dung lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, công an để xuyên tạc, bịa đặt. Chẳng hạn, mục tiêu xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, trong đó một số lực lượng, quân chủng, binh chủng tiến thẳng lên hiện đại thì chúng “bẻ lái” sang xây dựng “quân đội hiện đại, quân đội nhà nghề”. Từ đó cho rằng “không có quân đội nhà nghề nào lại do một đảng chính trị lãnh đạo”.

           Dựa vào chính sách tuyển quân, tuyển công an của Đảng, Nhà nước ta để tung ra luận điệu cho rằng “quân đội, công an là của nhân dân, của mọi người dân yêu nước” để phá bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng trong quân đội, công an; phá hoại bản chất giai cấp của quân đội, công an.

            Tuyên truyền, kích động, gây mất đoàn kết giữa quân đội với công an, gây mất đoàn kết trong nội bộ hai lực lượng này. Đặc biệt, chúng phao tin, đồn nhảm về các tướng lĩnh, cán bộ cấp cao trong lực lượng vũ trang (LLVT); cho rằng “có tham nhũng ghê gớm” trong quân đội, công an; từ đó gây tâm lý hoang mang, dao động trong cán bộ, chiến sĩ hòng làm suy giảm sức mạnh, sức chiến đấu của quân đội, công an. Những vụ việc tiêu cực trong quân đội, công an được xử lý, thể hiện rõ tính nghiêm minh của pháp luật thì chúng cho rằng, đó chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

           Xuyên tạc về hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang. Cho rằng, đây là những hoạt động tốn kém, không thiết thực đối với xây dựng sức mạnh của lực lượng vũ trang; chia rẽ, gây sự phân biệt giữa các cán bộ chính trị với đội ngũ cán bộ trong lực lượng vũ trang.

            Bôi nhọ hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ và hình ảnh người chiến sĩ công an; truyền bá lối sống thực dụng, chạy theo vật chất trong bộ đội, công an; kích động, lôi kéo một số cựu chiến binh, cán bộ, chiến sĩ sa vào lối sống sa đọa, hưởng thụ, không còn lý tưởng vì Tổ quốc, vì nhân dân.

            Các thế lực thù địch đã sử dụng kết hợp nhiều phương tiện truyền thông (sách, băng đĩa, truyền hình, phát thanh, báo in, báo điện tử) cùng với mạng xã hội để phát tán thông tin. Một số cơ quan báo chí của nước ngoài như RFA, RFI, BBC, VOA... thường xuyên đăng, phát các dạng bài tuyên truyền đầu độc nêu trên và đăng kèm phụ đề “bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả”. Hằng năm, vào dịp các ngày lễ lớn của đất nước hoặc các sự kiện chính trị quan trọng (như Đại hội Đảng bộ Quân đội, Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương hướng tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng) thì các hoạt động tuyên truyền, vận động đòi “phi chính trị hóa” quân đội, công an lại được tổ chức rầm rộ như một chiến dịch truyền thông.

          Thực tiễn “phi chính trị hóa” quân đội diễn ra ở Liên Xô cho thấy, nếu xa rời những vấn đề nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng quân đội cách mạng thì sự rệu rã của quân đội, dẫn đến sự sụp đổ chế độ XHCN sẽ hết sức nhanh chóng. Liên Xô bắt đầu “phi chính trị hóa” quân đội từ năm 1987, và chỉ 4 năm sau thì Liên Xô tan rã. Đầu tiên là việc Đảng Cộng sản Liên Xô tự xóa bỏ cơ chế Đảng lãnh đạo quân đội. Chỉ trong khoảng 2 năm (1987-1989), gần 50% cán bộ chiến lược của quân đội, 30% tướng lĩnh bị “về vườn”. Hơn 100 cán bộ chính trị cấp chiến dịch - chiến lược bị cách chức với lý do “không ủng hộ cải tổ”. Năm 1990, Đại hội bất thường của Đảng Cộng sản Liên Xô tiếp tục xiết thêm sợi dây thòng lọng vào cổ mình với việc từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và xã hội đã ghi trong Hiến pháp, chấp nhận đa nguyên, đa đảng. Chỉ đợi có thế, tháng 7/1991, Tổng thống Liên bang Nga ra sắc lệnh “phi đảng hóa” và cấm các đảng chính trị hoạt động trong các cơ quan nhà nước. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô ra lệnh buộc mọi quân nhân là đảng viên cộng sản phải trả thẻ đảng... Bi kịch “phi chính trị hóa” xảy ra đã khiến Quân đội Xô Viết, một quân đội hùng mạnh từng đánh bại chủ nghĩa phát xít, với gần 4 triệu quân thường trực, vũ khí trang bị rất hiện đại bỗng chốc mất phương hướng chiến đấu, không biết phải bảo vệ mục tiêu nào trong “thảm họa chính trị” tháng 8/1991 dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô.

          Bài học rút ra từ quá trình “phi chính trị hóa” Quân đội Xô Viết càng giúp chúng ta hiểu hơn lời dạy của V.I.Lênin: Hiện nay, cũng như trước kia và sau này, “quân đội không thể và không nên trung lập”(2).

           Đấu tranh làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng “phi chính trị hóa” quân đội, công an là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; trong đó, quân đội và công an là những lực lượng nòng cốt. Trong đó, chúng ta cần chú trọng một số giải pháp sau đây:

          Trước hết, tuyệt đối trung thành, kiên định và giữ vững nguyên tắc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo LLVT tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt. Tuân thủ những chỉ dẫn của chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng LLVT cách mạng; tích cực đẩy mạnh công tác giáo dục lý luận chính trị trong LLVT nhằm tăng cường bản chất giai cấp công nhân trong bộ đội, công an; tăng “sức đề kháng” của bộ đội, công an trước các âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù trên mặt trận chính trị tư tưởng.

           Thứ hai, không ngừng hoàn thiện cơ chế Đảng lãnh đạo LLVT cho phù hợp với tình hình mới, kiện toàn hệ thống và nâng cao chất lượng tổ chức đảng trong quân đội, công an; xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân thực sự trung thành, tin cậy về chính trị, có chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu cao, làm nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

           Thứ ba, tích cực đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, vạch trần các âm mưu, thủ đoạn của chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm vào Việt Nam, phản bác sự phi lý của luận điểm “phi chính trị hóa” quân đội, công an bằng các luận cứ, luận chứng, luận điểm khoa học và thuyết phục. Sử dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn những luồng thông tin xấu độc tiếp cận công dân Việt Nam.

          Thứ tư, lực lượng chức năng của quân đội, công an chủ động đấu tranh với các đối tượng tàn dư của chế độ cũ, những đối tượng suy thoái, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở trong nước; ngăn chặn, bóc gỡ các đường dây liên kết của các đối tượng phản động trong nước với thế lực thù địch bên ngoài.

          Thứ năm, cần có chính sách nâng cao đời sống của cán bộ, chiến sĩ trong LLVT phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, bảo đảm thu nhập xứng đáng với loại hình lao động đặc biệt để bộ đội, công an yên tâm công tác và chiến đấu./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét