Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2020

THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ LÀ “ANH EM” SINH ĐÔI

 

        Lãng phí và tham nhũng được ví như “anh em” sinh đôi, có ý kiến đánh giá tham nhũng chỉ là phần nổi, lãng phí mới là phần chìm của tảng băng. Tuy nhiên không phải lúc nào lãng phí cũng song hành với tham nhũng. Không hẳn các chế tài xử lý thích hợp có thể hạn chế, đẩy lùi thất thoát, lãng phí trong quản lý và sử dụng tài sản nhà nước. Vấn đề cơ bản là phải tạo được môi trường cho những động cơ, hành vi đúng đắn. Chế tài chỉ là 1 trong 5 nguyên tắc của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

          Lãng phí “anh em” của tham nhũng, ăn chơi xa xỉ, kích thích một số “quan tham” móc ngoặc để ăn cắp, bòn rút tiền nhà nước. Ngược lại, tiền tham nhũng thường cũng dành để ăn chơi xa xỉ, rồi sa đọa, nhiều vụ lãng phí, tham nhũng rất nghiêm trọng, có liên quan đến quan chức nhà nước, trong đó có người là cán bộ cấp cao. Người có chức cấu kết với người có tiền; quyền sinh ra tiền, có tiền dựa vào quyền để sinh ra nhiều tiền hơn (thậm chí sinh ra quyền). Người có tiền bám lấy người có quyền, đến chừng mực nào đó, chi phối người có quyền. Chúng cấu kết với nhau đục khoét công quỹ nhà nước. Nói một cách hình tượng, ví như một khối ung thư nằm trong cơ thể con người.

          Đã từ lâu nhân dân lo lắng về nhiều cán bộ thoái hóa biến chất, xa hoa, lãng phí tiêu xài không xót thương. Vì là của công, tiền “chùa” biếu xén, dễ thấy nhất là những ngày lễ, tết, đều lấy tiền công quỹ để chi, họ không cảm thông với đời sống cơ cực của hơn hai mươi triệu người nghèo.

          Từ lãng phí, tham nhũng nhiều cán bộ giầu lên nhanh chóng, bất thường và họ biến chất cũng rất nhanh, có thế rất mạnh mua chức, mua quyền, mua danh và chạy án… Đây chính là mối hiểm họa cho đất nước, việc chống lãng phí, tham nhũng là sống còn của đất nước, của dân tộc. Tham nhũng, một khi đã trở thành quốc nạn, đã mang tính “hệ thống” “đe dọa sự tồn vong của chế độ”.

          Lịch sử xưa nhắc nhở chúng ta phải cảnh giác với giặc nội xâm. Không phải ngẫu nhiên mà Bác Hồ gọi tham nhũng, lãng phí, quan liêu là “giặc nội xâm”. Bác thường nhắc nhở chúng ta, không phải chỉ có giặc ngoại xâm mới làm dân ta mất nước, mà dân ta mất nước cũng có thể vì “giặc nội xâm”.

          Quyết tâm và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, không trừ một ai, không có vùng cấm. Thái độ và việc làm đó của Đảng và Nhà nước sẽ đem lại niềm tin cho nhân dân và cộng đồng quốc tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét