Xây dựng,
nâng cao văn hóa cầm quyền của Đảng - vấn đề cốt lõi của văn hóa trong chính trị,
là yêu cầu khách quan, nhiệm vụ thường xuyên của mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng
viên để Đảng ta thực sự là đại biểu về danh dự, lương tâm, trí tuệ của dân tộc.
Văn hóa có nhiều khái niệm, nhưng tựu trung đó là biểu hiện của cái đẹp, của
giá trị chân, thiện, mỹ. Theo đó, văn hóa cầm quyền của Đảng là những giá trị
văn hóa được kết tinh ở tình cảm, ý chí và hành động trong hoạt động lãnh đạo của
Đảng, của mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên luôn mẫu mực về chính trị, đạo đức,
lối sống, ứng xử, v.v. Khi văn hóa, đạo đức của Đảng luôn được chú trọng xây dựng
xứng tầm trong mọi hoạt động thì uy tín, năng lực cầm quyền của Đảng được nâng
cao, Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, có năng lực, bản lĩnh, trí tuệ lãnh đạo hệ
thống chính trị và toàn xã hội thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng. Các giá
trị đó được thẩm thấu vào trong mọi hoạt động lãnh đạo và trong nội dung,
phương thức cầm quyền của Đảng, được biểu hiện sinh động trên các nội dung chủ
yếu sau:
Một
là, trong Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh
đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội bằng Cương lĩnh chính trị và đường lối.
Văn hóa, trí tuệ của Đảng trước hết thể hiện ở việc đề ra đường lối cách mạng
đúng đắn, sáng tạo, khoa học, phù hợp với ý chí, nguyện vọng chính đáng của
toàn Đảng, toàn dân trong xây dựng nước Việt Nam độc lập và chủ nghĩa xã hội,
dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vì vậy, Cương lĩnh chính trị,
đường lối là thước đo năng lực lãnh đạo và trình độ phát triển, văn hóa cầm quyền
của Đảng.
Hai
là, trong mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.
Sự lãnh đạo của Đảng được thực hiện thông qua vai trò của Nhà nước và các tổ chức
chính trị - xã hội, trong mối quan hệ này, Đảng vừa giữ vai trò lãnh đạo, vừa
là một bộ phận của hệ thống chính trị. Vì vậy, văn hóa cầm quyền của Đảng được
thể hiện ở chỗ Đảng cầm quyền, hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật. Cán bộ, đảng
viên của Đảng phải tôn trọng, gương mẫu thực hiện Hiến pháp, pháp luật. Đảng phát
huy vai trò Nhà nước trong thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành
chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối;
không độc quyền, làm thay chức năng của Nhà nước, không đứng trên và đứng ngoài
pháp luật.
Ba là,
thước đo văn hóa cầm quyền của Đảng được thể hiện sâu sắc trong mối quan hệ giữa
Đảng với Nhân dân. Đảng là người lãnh đạo, nhưng nhân dân là chủ, mọi hoạt động
của Đảng đều vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Do đó, đòi hỏi văn hóa
cầm quyền của Đảng là phải “sao cho được lòng dân”, chỉ khi Nhân dân hoàn toàn
tin tưởng, đi theo Đảng, thì sự nghiệp cách mạng của Đảng mới thành công, khi
đó văn hóa cầm quyền của Đảng mới được thực hiện tốt. Muốn vậy, Đảng phải tiêu
biểu về trí tuệ, đạo đức, vững vàng về bản lĩnh chính trị, có phương thức lãnh
đạo đúng đắn, có quan điểm quần chúng, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân;
“là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”; cán bộ, đảng
viên phải có tâm, có tầm, luôn là công bộc của nhân dân, lấy lợi ích của nhân
dân làm mục đích hoạt động.
Bốn
là, tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên về phẩm chất chính
trị, trí tuệ, đạo đức, lối sống, phong cách là biểu hiện sinh động, thuyết phục
nhất về văn hóa cầm quyền của Đảng. Cán bộ, đảng viên là cầu nối giữa Đảng với
Nhân dân; trực tiếp tiếp xúc, lãnh đạo, tổ chức cho quần chúng thực hiện đường
lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, văn hóa cầm quyền của
Đảng được biểu hiện sinh động ở trong mỗi cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên
tốt, có đức, có tài, tâm huyết, nêu cao tinh thần vì nhân dân phục vụ thì hoạt
động sẽ chuẩn mực, có uy tín, được Nhân dân tin, theo, v.v.
Như vậy,
văn hóa cầm quyền của Đảng là hiện thân của cái đẹp, thể hiện giá trị của Đảng
cầm quyền, của cá nhân nhà lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện
chức trách, nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý. Trong thực tiễn, mặc dù các nhà kinh điển
và Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa đề cập đến khái niệm văn hóa cầm quyền của Đảng,
nhưng đã đề ra và luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải tu dưỡng, rèn luyện về đạo
đức, lối sống, năng lực, phương pháp, tác phong để xứng đáng là người lãnh đạo,
người đày tớ của nhân dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét