Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2020

Cần phải nắm vững bài học xuyên suốt của cách mạng Việt Nam

 


Càng đến gần Đại hội XIII của Đảng, các thế lực thù địch càng tăng cường đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, lợi dụng mạng xã hội để tung tin sai sự thật, kích động chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Không chỉ lợi dụng các chiêu bài phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản - nhân tố quyết định cho sự thành công của chủ nghĩa xã hội, các thế lực thù địch còn phủ nhận và cho rằng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam lựa chọn là sai lầm, dẫn nguyên nhân dẫn đến nước nhà tụt hậu; đồng thời bôi nhọ và phủ nhận thành tựu về mọi mặt của Việt Nam trong tiến trình xây dựng và phát triển.

Thực tế là, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam lựa chọn và khẳng định trong các Văn kiện của Đảng từ năm 1930; được bổ sung, phát triển qua 12 kỳ Đại hội và tiếp tục được khẳng định trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, nhất quán trong hành trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đi tới mục tiêu đất nước phát triển phồn vinh và hạnh phúc.

Đó cũng chính bài học đầu tiên được Đảng Cộng sản Việt Nam rút ra tại Đại hội lần thứ VII (1991): “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là bài học xuyên suốt trong quá trình cách mạng nước ta. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở đảm bảo vững chắc cho độc lập dân tộc”[1] và tiếp tục được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011): “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”[2].

Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trở thành bài học xuyên suốt trong quá trình cách mạng Việt Nam, bởi rằng:

Một là, trên hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đã sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đã lựa chọn và đứng trên lập trường của giai cấp vô sản để tiến hành giải phóng dân tộc bằng một cuộc cách mạng vô sản và bước phát triển tiếp theo là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Quan điểm của Người là, cách mạng phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản - đội tiền phong của giai cấp công nhân và dân tộc; Đảng Cộng sản phải lãnh đạo nhân dân thực hiện “Dân tộc cách mệnh” để tập trung đánh đổ bọn đế quốc thực dân và bọn phong kiến tay sai giành lại độc lập cho xứ sở và “Thế giới cách mệnh” giống như giai cấp công nông Nga đánh đổ tư bản áp bức…

Hai là, tư tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội được khẳng định ngay từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930, đó là “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Dưới ngọn cờ độc lập dân tộc có hướng đích chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tập hợp, phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Điều này cho thấy, mục tiêu định hướng tương lai: Độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (giai đoạn đầu của xã hội cộng sản chủ nghĩa) là sự lựa chọn chính xác, đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và ngọn cờ đó đã khơi nguồn sức mạnh nội lực của toàn dân tộc, làm nên một cuộc đổi đời lịch sử đối với mỗi người dân Việt Nam, đối với dân tộc Việt Nam.

Ba là, lịch sử thế giới hiện đại ghi nhận rằng, Việt Nam là nước đầu tiên tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Việt Nam cũng là nước đầu tiên đi lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện có chiến tranh. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội được Đảng tiếp tục bổ sung, phát triển, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, để xây dựng và phát triển đất nước. Thực tế, Đảng đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở cả hai miền Nam - Bắc, để hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đưa cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Điều đó cho thấy, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là quy luật phát triển tất yếu, làm nên thắng lợi của sự nghiệp cách mạng và đó cũng là sự nhất quán của Đảng trong việc lựa chọn con đường phát triển của cách mạng Việt Nam - con đường hợp xu thế phát triển thời đại. Đồng thời, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng được xác định rõ hơn và từng bước được hiện thực hóa.

Bốn là, hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, dù trong hoàn cảnh khó khăn, thử thách nào, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng luôn kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đây chính là con đường duy nhất đúng để đất nước phát triển bền vững, phồn vinh và hạnh phúc, bởi “con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử”[3]. Việc tiếp tục kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội bất chấp sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch, bất chấp sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã góp phần quan trọng làm nên những thành tựu của đất nước Việt Nam trong 35 năm đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng. Điều này không chỉ được thực tiễn cách mạng Việt Nam chứng minh mà còn tiếp tục được thể hiện trong quan điểm chỉ đạo đầu tiên của dự thảo văn kiện Đại hội XIII, cụ thể: Tư tưởng xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong giai đoạn tới là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, trước thời cơ, vận hội và khó khăn, thách thức đan xen, bên cạnh những thành tựu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên… Vì thế và hơn bao giờ hết, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân phải quán triệt sâu sắc rằng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là hai nhiệm vụ không thể tách rời, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là nhu cầu sống còn, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử; đồng thời, bài học “kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong quá trình đổi mới” càng phải được thấu triệt, xuyên suốt và nhất quán.

Thế giới càng đầy biến động, các thế lực thù địch càng tăng cường các hoạt động chống phá, càng đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân phải củng cố lòng tin vào mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa; chủ động phê phán, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, phản động phủ nhận, xuyên tạc bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Cụ thể là, phải thật sự thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phải nâng cao bản lính chính trị, chủ động đề kháng, phòng và chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhất là phải vận dụng sáng tạo các bài học kinh nghiệm lịch sử, phát huy sức mạnh dân tộc, thời đại và sức mạnh nội sinh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét