Đã hơn một phần tư thế kỷ trôi qua nhưng
chúng tôi vẫn nhớ như in bài Triết học đầu tiên ở trường đại học. Khi nói về
vai trò
của ý thức con người, thầy giáo ngày ấy đã lấy ví dụ mang
tính đối lập: Không một người thợ nào có đôi bàn tay khéo léo như bầy ong để có thể xây một cái tổ ong với kết cấu đặc
biệt như vậy. Nhưng sự khác biệt căn bản nhất ấy là, bầy ong chỉ xây tổ theo
bản năng, còn người thợ, trước khi xây ngôi nhà của mình, anh ta đã
hình thành nó từ trong ý thức và hoạch định sử dụng nó trong tương lai.
Ý thức là gốc rễ của đạo đức, văn hóa, quyết định mọi hành vi ứng xử của
con người. Trong môi trường đổi mới, hội nhập và trong
công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, ý thức của mỗi CB, ĐV chính là
hiệu quả việc học tập, quán triệt, vận dụng Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện đường lối, chủ trương,
nghị quyết của Đảng. Chỉ khi CB, ĐV được thẩm thấu sâu sắc lý luận chính trị
(LLCT), nghị quyết, chỉ thị và những quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước và thực hiện bằng ý thức tự giác, coi đó là bổn phận, trách
nhiệm của mình thì nghị quyết của Đảng mới phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả;
công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng mới đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Ngược
lại, nếu lười học tập LLCT, nghị quyết, học qua loa đại khái, học đối phó,
chiếu lệ, ắt sẽ dẫn đến mù mờ về quan điểm, tạo kẽ hở, cơ hội cho chủ nghĩa
thực dụng, chủ nghĩa cá nhân phát triển. Với những người có tài năng, kiến thức
chuyên môn và năng lực về quản lý kinh tế, khoa học kỹ thuật nhưng lại lười học
tập, coi nhẹ việc nghiên cứu, vận dụng lý luận, quán triệt nghị quyết của Đảng
thì cán cân giữa đức và tài sẽ bị lệch. Đây là kẽ hở, là “miếng mồi béo bở” để
các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, kích động, lôi kéo, đi ngược lại lợi
ích của Đảng và dân tộc. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã chỉ rõ biểu hiện này, đó là tình trạng: “Nhận thức sai
lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập LLCT; lười học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh,
chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà
nước”.
Tình trạng lười học tập LLCT, chủ trương, đường
lối, nghị quyết của Đảng trong một bộ phận CB, ĐV không chỉ có hại đối với
chính cá nhân, tổ chức nơi CB, ĐV công tác mà còn ảnh hưởng đến thế hệ trẻ, nhất là học sinh, sinh viên. Giới
chuyên gia nhiều lần lên tiếng bày tỏ lo ngại về tình trạng một bộ
phận học sinh, sinh viên lười học lịch sử,
chính trị. Trên các diễn đàn khởi nghiệp của tuổi trẻ gần đây, nhiều nhà quản lý, nhà khoa học
cũng đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ khởi nghiệp, cần phải “đi bằng cả hai
chân”, vừa trau dồi kiến thức chính trị, pháp luật, vừa chăm lo phát triển kỹ
năng quản lý, trình độ chuyên môn. Một cử nhân, kỹ sư hay doanh nhân trẻ, nếu chỉ giỏi kiến thức chuyên môn, có tài làm ăn, có
tiềm lực về kinh tế nhưng lại bị hổng về trình độ LLCT, thiếu kiến thức pháp luật
thì con đường khởi nghiệp khó bền vững. Những vụ án kinh tế bị đưa ra xét xử mà
bị can là những người còn khá trẻ thời gian qua đều có
nguyên nhân từ việc coi nhẹ đạo lý, bất chấp luật pháp. Hậu quả để lại là rất
nặng nề.
Việc lười học tập, nghiên cứu LLCT, đường
lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng trong một bộ phận CB, ĐV và giới trẻ
có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng
cho CB, ĐV về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập
nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả, nội dung và
phương pháp giáo dục, truyền đạt chậm đổi mới; chưa tạo được sự thống nhất cao
trong nhận thức”. Cùng với đó là: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nghiên
cứu, tổng kết thực tiễn, giảng dạy và học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ
Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu”. Hệ quả của nó đã được Đảng ta chỉ rõ: “Tình trạng
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống
của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận
còn
diễn biến tinh vi, phức tạp hơn… Sự suy thoái về
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới
tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.
Trong môi trường quốc gia khởi nghiệp hiện nay,
việc học tập vươn lên chiếm lĩnh tri thức, làm chủ trình độ, kỹ năng
về khoa học công nghệ, năng lực quản lý kinh tế… đang là xu thế mạnh mẽ của lớp
trẻ. Đó là tinh thần đáng tự hào của cả một thế hệ đang vươn lên làm chủ đất
nước, đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh trong hành trình hội nhập quốc tế.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam
cho mọi hành động. Chính vì vậy, khi tổ chức, cá nhân nào đó rơi vào tình trạng mù
mờ về ý thức hệ, nhận thức kém về đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng,
chẳng khác gì lái xe trong đêm tối mà thiếu đèn…
Đức Đông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét