Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2019

HỒ SƠ - TƯ LIỆU: CHIẾN LƯỢC "TAM GIÁC ĐỐI NGOẠI" VÀ DÀN HOẢ THIÊU TRÊN BẦU TRỜI HÀ NỘI



- Sau khi đắc cử vào năm 1969, ngoài việc dùng không quân chiến lược đánh phá Việt Nam ác liệt hơn nhiệm kỳ Johnson, Tổng thống Mỹ Nixon và cánh tay phải của ông ta, Cố vấn an ninh quốc gia Kissinger còn có những bước đi ngoại giao sâu hiểm.
Dùng con bài quan hệ đối kháng với nước này để mặc cả với nước khác, chiến lược “Tam giác đối ngoại” Washington-Moscow-Bắc Kinh của Nhà Trắng trong hai năm đầu thập niên 1970 đã giúp Nixon tái đắc cử tổng thống vào tháng 11-1972. Nhưng cuộc chơi đã không thay đổi được lối ra của cuộc chiến tranh Việt Nam. Thất bại trên bầu trời Hà Nội tháng 12-1972, Nixon - Kissinger buộc phải ký một hiệp định rút hết quân Mỹ, thừa nhận Quân đội nhân dân Việt Nam có mặt tại mọi miền trên đất nước Việt Nam.
“Tam giác đối ngoại”
Lời đầu cuốn sách Những biên bản Kissinger: Các cuộc hội đàm kín với Bắc Kinh và Moscow do William Burr, chuyên viên Lưu trữ an ninh quốc gia Hoa Kỳ biên soạn, NXB The New Press xuất bản năm 1999 có đoạn viết: Không giống với các tiền nhiệm của mình, Richard Nixon được biết đến với kinh nghiệm về công tác đối ngoại. Dù bận rộn với chiến tranh Việt Nam, ông ta vẫn khởi xướng một số xu hướng mới trong quan hệ quốc tế. Nixon nhận thức rằng, khối các nước theo chủ nghĩa cộng sản có hai cường quốc đang mâu thuẫn nhau là Liên Xô và Trung Quốc. Căn cứ vào đặc điểm này, Nixon và cố vấn của ông ta là Henry Kissinger quyết định khai thác để giành thắng lợi về đối ngoại.
Bìa cuốn sách Những biên bản Kissinger: Các cuộc hội đàm kín với Bắc Kinh và Moscow.
Tại chương một của sách, William Burr đã dẫn câu nói của Nixon: “Hãy cùng xem các quân cờ phía bên kia sẽ được điều về hướng tạo lợi thế cho chúng ta ra sao!”. William Burr viết tiếp: Quyền uy cố vấn cấp cao nhất của tổng thống và kiến trúc sư cho chính sách an ninh quốc gia tạo cho Kissinger một vị trí trung tâm trong các nỗ lực của Nixon nhằm phát triển một quan hệ mới với những kẻ thù cũ. Trong khi vẫn tiếp tục đàm phán với Hà Nội, Nixon và Kissinger vẫn khăng khăng với một “nền hòa bình trong danh dự” nhằm bảo đảm uy tín cho Mỹ, rồi vẫn kéo dài cuộc chiến tranh cho tới lúc dàn xếp được vào tháng 1-1973 khi đặt bút ký vào Hiệp định Paris.
Dù cuộc chiến ở Đông Dương gây rắc rối cho các nỗ lực hòa hoãn với Trung Quốc và Liên Xô, tuy nhiên, một vệt dài của đàm phán cũng đã được tạo ra. Không chỉ Nixon hiện thực hóa tầm nhìn của ông ta trong một mối bang giao mới với một đối thủ “Chiến tranh lạnh” là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, mà ông ta còn chủ trì được những thay đổi đáng kể trong quan hệ Mỹ-Xô. Các kết quả của “Tam giác đối ngoại” của chính quyền Mỹ lúc đó là chuyến thăm Trung Quốc của Nixon tháng 2-1972 và cuộc họp thượng đỉnh tại Moscow tháng 5 năm đó. Đây là những thành quả đáng kể và những điểm số rõ rệt cho Nixon trong năm bầu cử. Tuy thế, những rêu rao của ông ta về “nền hòa bình dài lâu” vẫn không lay chuyển được sự thiếu tin tưởng của đối phương trong “Chiến tranh lạnh”: Xét cho cùng, những nghi ngờ của Moscow đã kéo Nixon và Kissinger sang vị thế gần hơn với Bắc Kinh, mà mục đích là một hòa hoãn nhằm kiềm chế Liên Xô và duy trì sức mạnh của Mỹ.
Để mở đường vào Trung Nam Hải, Nixon-Kissinger đã triển khai hàng loạt cuộc thí quân ở Việt Nam và cả ở Đài Loan. Vấn đề Đài Loan có liên quan đến một nhận thức ít thẳng thừng hơn về Việt Nam. Sự giảm thiểu quân Mỹ ở Đài Loan sẽ phụ thuộc vào việc giảm đối đầu trong khu vực. Trung Quốc đến lượt mình cũng hỗ trợ giảm căng thẳng bằng cách ủng hộ Việt Nam tìm kiếm dàn xếp trên bàn đàm phán. Trong những tháng sau cuộc viếng thăm Trung Quốc của Nixon, Kissinger đã siêng năng trong việc thông báo cho các nhà ngoại giao Trung Quốc về các cuộc hội đàm với Việt Nam ở Paris và nhờ họ đứng trung gian trong quan hệ với Hà Nội. Trung Quốc có phê phán rõ rệt cuộc ném bom của Mỹ, nhưng Kissinger vẫn cho là những phê phán này “khá chừng mực”.
Như Nixon dự kiến, sự xích gần giữa Washington và Bắc Kinh đã gây nên quan ngại ở Moscow, vì thế ông ta đã tìm cách tạo nên một hòa dịu, giảm căng thẳng với Liên Xô. Tháng 5-1972, Nixon đã thực hiện một chuyến thăm ở cấp độ tương tự sang Moscow để xúc tiến một hiệp ước về vũ khí hạt nhân. Kết quả của chuyến thăm là Hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược (SALT I). Hoa Kỳ và Liên Xô đã cam kết hạn chế số lượng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được sản xuất, ngăn chặn sự phát triển của các hệ thống chống tên lửa đạn đạo. Hai nước cũng bước vào một hợp tác trong lĩnh vực khám phá vũ trụ, được gọi là chương trình Apollo-Soyuz…
Lập lờ đánh lận
Dù mở cửa vào một Trung Quốc lúc đó còn lạc hậu, lại bị tàn phá bởi các xung đột trong Cách mạng văn hóa, nhưng Nixon-Kissinger đã không ngần ngại dùng những trò chơi hai mặt.
Trong bài Các cuộn băng về cuộc chơi bóng bàn: Các cuộc hội đàm của cựu Ngoại trưởng Mỹ với các lãnh đạo Cộng sản, tác giả Max Frankel viết: Đạo đức giả và nịnh bợ đã có mặt đủ ngay từ đầu của cuộc hội đàm của Nixon và Kissinger với ông Mao năm 1972. Sau đây là một đoạn hội thoại:
Kissinger: “Khi còn giảng dạy ở Havard, tôi thường chỉ định cho sinh viên của tôi phải đọc các trước tác về chủ nghĩa tập thể của ngài Chủ tịch”.
Mao Trạch Đông: “Những gì tôi đã viết đâu có nghĩa lý gì…”.
Nixon: “Các trước tác của ngài Chủ tịch đã chuyển dịch được cả một dân tộc và đã thay đổi thế giới…”.
Trong một đoạn khác của biên bản hội đàm, ông Mao nói: “Chúng tôi đứng cuối trong dãy các nước này: Mỹ, Liên Xô, châu Âu, Nhật, Trung Quốc”. Kissinger trả lời: “Tôi chắc rằng tôi không bao giờ bất đồng với ngài Chủ tịch, nhưng ngài đã không đúng ở điểm này”.
Theo biên bản cuộc mật đàm Chu Ân Lai-Kissinger tại Bắc Kinh ngày 20-6-1972, Kissinger cũng ra sức khai thác mâu thuẫn lúc đó giữa Moscow và Bắc Kinh.
Nhưng những gì ở trên chỉ là chiến thuật được phía Mỹ dùng để thâm nhập không gian văn hóa Khổng giáo phương Đông. Về chiến lược, đã có những chủ trương có thể nói là đột xuất khi Kissinger cho hay Mỹ đã sẵn sàng trở thành đồng minh quân sự của Trung Quốc cùng tham chiến nếu Bắc Kinh đưa quân vào Đông Pakistan. Nhưng Trung Quốc lúc đó không tiến hành can thiệp quân sự vì cho rằng đã muộn.
Ở Đông Pakistan năm 1971, các lực lượng giải phóng Đông Pakistan và Ấn Độ, được Liên Xô hỗ trợ, xung đột với Pakistan được Mỹ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ… ủng hộ. Theo biên bản mật đàm ngày 20-6-1972 tại Bắc Kinh, Kissinger nói: “Như các ngài vẫn biết, chúng tôi đã phản ứng cực kỳ nhanh với tình hình ở Nam Á. Vào một buổi sáng, khi nhận một bức điện của các ngài, chúng tôi cứ tưởng các ngài đã đưa quân vào Đông Pakistan. Chúng tôi dự kiến rằng, nếu các ngài vì thế mà bị Liên Xô tiến công, chúng tôi sẽ ủng hộ các ngài bằng cách tiến hành biện pháp quân sự, nếu cần thiết, để ngăn chặn họ...”.
Hiệp định trước Giao thừa
Báo chí có uy tín ở Mỹ và cuộc ném bom mùa Giáng sinh là công trình nghiên cứu của Martin Herz, L.Rider do Trung tâm Chính sách công và đạo đức của Hoa Kỳ ấn hành năm 1980. Sách khẳng định quyết định dùng B-52 ném bom Hà Nội là dịp bộc lộ rõ sự bất hòa giữa Nixon và Kissinger.
Hồi ký Kissinger cũng cho hay, trong Chiến dịch Linebacker II, ông ta rơi vào tình trạng “thất sủng”, dù vẫn phải làm việc theo chức trách. Kissinger viết rằng Nixon đã tức điên và tin rằng Kissinger chống lại vụ ném bom ồ ạt Hà Nội và miền Bắc Việt Nam. Kissinger cũng phàn nàn Nixon đã tiến hành một biện pháp kiểu “Watergate”: Các cuộc nói chuyện điện thoại hằng ngày của vị Cố vấn an ninh đều được lén thu, để bật cho Tổng thống nghe... (hồi ký Kissinger, trang 1.456).
Tuy nhiên, Hồi ký Nixon (trang 737) viết rằng, từ đầu Chiến dịch Linebacker II, “mối lo âu của tôi không phải là những phê phán quyết liệt trong và ngoài nước Mỹ, mà là tổn thất vô cùng nặng nề của B-52”.
10 ngày cuối tháng 12-1972, cuộc ném bom mùa Giáng sinh đem lại những “dàn hỏa thiêu”: Những chiếc B-52 cháy sáng trên bầu trời Hà Nội, hàng chục phi công ưu tú bị “mời” vào “Khách sạn Hilton-Hỏa Lò”… đem lại cho Nixon một tâm thái khác với khi ký kết các hiệp định với các quốc gia trong năm Nhâm Tý. Nixon chỉ thị cho Kissinger trở lại Paris ngày 6-1-1973 là phải đạt cho được một giải pháp dù đối phương đưa ra những điều kiện nào. Bộ dạng không hung hãn như thường ngày, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh sẵn sàng chấp nhận trở lại văn bản đã thỏa thuận tháng 10-1972. Kissinger đáp lại là một hiệp định như thế tất yếu dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn.
Việt Nam cuối năm Nhâm Tý ấy, các “quân cờ di động” ở Bắc Kinh và Moscow mà Nixon-Kissinger từng hy vọng đã không thể đem lại thế cờ có lợi cho Mỹ./.
 Đức Mạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét