Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2019

MỌI SỰ SO SÁNH ĐỀU KHẬP KHIỄNG, THẾ NHƯNG HÃY ĐỪNG SO SÁNH NGƯỜI LÍNH VỚI BẤT KỲ NGÀNH NGHỀ, ĐỊA VỊ NÀO TRONG XÃ HỘI



Tôi thực sự chạnh lòng khi nghe những câu đại loại như: Mấy thằng lính quèn "trên răng, dưới..." thì tính tiền làm gì? Hay là: Bộ đội làm gì có tiền!
Khi ấy tôi chỉ cười, nhưng trong lòng chợt nhói lên một điều gì đó như mình đang bị xúc phạm. Những người nói ra những câu ấy không biết rằng trong số hơn 90 triệu công dân Việt Nam thì có bao nhiêu chưa từng là một người chiến sĩ, người lính "Bộ đội Cụ Hồ"..
Đôi khi câu nói ấy không phải do những người ít hiểu biết nói ra mà lại được phát ra từ những sinh viên - thế hệ tương lai của nước nhà. Thử hỏi xem không biết các bạn ấy đang sống trên sao hỏa, hay tự khép mình trong vỏ bọc của những "con ốc" nhỉ?
Ở đời nguy hiểm nhất là người ta không biết mình là ai, mình đang đứng ở đâu và sẽ đi đến đâu! Từ một suy nghĩ như thế thì làm sao họ nhận thức được cuộc sống yên bình mà họ đang thụ hưởng có được nhờ sự hi sinh của bao nhiêu người con ưu tú của dân tộc.
Người xưa đã nói "Nuôi quân Ba năm, đánh giặc một giờ". Muốn chiến thắng trong chiến tranh thì phải chuẩn bị ngay từ khi hoà bình. Thế nhưng đáng buồn là không ít người suy nghĩ đất nước hoà bình rồi thì cần gì những người lính nữa. Từ đó người ta nhìn nhận sai lệch về hình ảnh của người chiến sĩ trong thời bình.
Có ông bố, bà mẹ khuyên con gái: Con yêu bộ đội làm gì, nó cứ đi biền biệt quanh năm suốt tháng, lương thì ba cọc ba đồng, nghèo bỏ xừ, sau này lấy gì mà sống...
Ơ hay cho cái câu "nghèo bỏ xừ"... Tôi nghe và tôi chợt cười buồn vì sự so sánh khập khiễng giữa cái "nghèo" của người lính và sự ''giầu'' của những người thốt ra những câu nói khi chưa kịp nghĩ ấy. Không biết họ có hay, thực hiện luật nghĩa vụ quân sự hàng năm có hàng trăm, hàng nghìn thanh niên nhập ngũ để làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc? Họ lên đường gia nhập vào quân ngũ vì cái gì? Vì để được trả lương cao ngất ngưởng, để làm giàu ư? Hay vì sự sung sướng, nhàn hạ?
Họ đã nhầm, trong suy nghĩ của họ lúc nào cũng đòi hỏi "Tổ quốc đã làm gì cho ta" mà không tự hỏi, không biết về những người lính phải xa quê hương, gia đình, bạn bè người thân, phải huấn luyện vất vả, rèn luyện đổ mồ hôi, thậm chí là máu và tính mạng trên thao trường nắng gió...
Những người lính hiến dâng tuổi xuân cho Tổ quốc có khi nào để mong được "giàu", vì thế mà họ ''nghèo'' hơn trong mắt của những người luôn lấy tiền làm thước đo cho mọi giá trị cuộc sống.
Lúc mọi người ôm con gấu bông, đắp cái chăn ấm, đeo tai nghe với những bản nhạc du dương và chìm vào giấc ngủ trong căn phòng ấm áp, thì ngoài kia người lính đang ôm cây súng, đứng giữa cái giá rét, mưa bão canh giữ cho sự bình an.
Các bạn sinh viên có biết để ngày ngày các bạn đến trường, ăn, học, vui chơi trong bình yên thì có biết bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ phải đổ mồ hôi, xương máu nơi biên cương, hải đảo?
Khi ốm đau các bạn có cha mẹ, người thân chăm sóc vỗ về, trong khi những người lính vẫn phải làm nhiệm vụ nơi xa cho dù cha, mẹ, vợ, con họ ốm đau mà họ không thể về được!
Mọi sự so sánh đều khập khiễng, thế nhưng hãy đừng so sánh người lính với bất kỳ một ngành nghề, địa vị nào trong xã hội. Họ chưa chắc giàu về tiền bạc, nhưng họ có những thứ mà những người luôn lấy tiền làm thước đo có giàu mấy cũng không bao giờ có được.
Những "báu vật" thiêng liêng, quý giá ấy chỉ có những người đã từng sống trong cơ hàn, tủi nhục của nỗi đau mất nước, mất tự do mới hiểu được...
Hãy trân trọng cuộc sống bình yên và hãy hiểu rằng ai đã và đang mang lại cuộc sống yên bình đó !
                                                           
                                                                                                                Trọng Tình 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét