Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2019

Điểm mặt các chiêu trò của Trung Quốc trên Biển Đông



Hòng đạt được ý đồ thâu tóm Biển Đông, Trung Quốc tiến hành hàng loạt chiêu trò từ biện pháp hành chính đến phô diễn “cơ bắp”, quân sự hóa...
1.     Hình thành mạng lưới hỏa lực không - hải
Song hành cùng việc xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất, thậm chí có cả đường băng, nhà chứa máy bay..., Bắc Kinh còn tổ chức diễn tập, điều động tên lửa, chiến đấu cơ đa nhiệm đến các thực thể ở Biển Đông như đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, 3 bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa. Qua đó, Bắc Kinh hình thành một thế trận hỏa lực không - hải.
2.     Gây rối bằng tàu chấp pháp “vũ trang”
Không chỉ sử dụng lực lượng hải quân chính quy, Bắc Kinh còn tổ chức cả các lực lượng mang danh “chấp pháp”. Từ năm 2013, hải cảnh Trung Quốc (CCG) được thống nhất dựa trên sự sáp nhập các lực lượng hải giám (CMS), hải cảnh (cảnh sát biển của Cục Quản lý biên phòng - BCD), ngư chính (Cơ quan Đảm bảo thực thi pháp luật ngư nghiệp - FLEC), Tổng cục Hải quan và Cơ quan Hải dương Trung Quốc (GAC). Trước khi sáp nhập, Cục Ngư chính đã có trên 140 tàu với 10 tàu hơn 1.000 tấn, hải giám (CMS) có trên 280 tàu với 27 tàu trên 1.000 tấn. Theo một báo cáo hồi đầu năm từ Đại học Hải chiến Mỹ, CCG đang vận hành không dưới 80 tàu trên 1.000 tấn, trong đó có gần 30 tàu trên 4.000 tấn. Phần lớn tàu đều được vũ trang với nhiều loại pháo như 30 mm, thậm chí 76 mm và mang theo được cả máy bay trực thăng chiến đấu đa nhiệm Z-9. Lực lượng tàu này thường xuyên hiện diện trên Biển Đông để phục vụ ý đồ của Trung Quốc. Điển hình như lần Bắc Kinh điều dàn khoan Hải Dương Shiyou 981 xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông vào năm 2014 hay mới đây là tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 thì đều được hộ tống bởi các “tàu chấp pháp” của Trung Quốc.
3.     Kiểm soát dưới “bình phong” quản lý hành chính
Bắc Kinh còn tìm cách ngụy tạo một “hồ sơ hành chính” nhằm tự vẽ nên quyền kiểm soát các thực thể ở Biển Đông. Hơn 7 năm trước, Trung Quốc tự lập ra cái gọi là “thành phố Tam Sa” để quản lý một khu vực rộng lớn, bao gồm cả các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Tiếp đến, Trung Quốc lại hình thành các cơ sở hành chính, rồi tổ chức du lịch đến các khu vực trên. Song song cùng các hành vi này, Bắc Kinh còn tự cho quyền ấn định cả những giai đoạn cấm đánh bắt cá trên biển, rồi từ đó điều động một lực lượng tàu vũ trang mang danh tàu chấp pháp để gây rối ngư dân các nước.
 Lý Chí 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét