Trên truyền thông, đặc biệt là mạng xã
hội hiện nay, chúng ta gần như bị ngợp trước các thể loại bài báo mang đậm mùi
“xác thịt”, giật gân. Từ bạo lực đường phố đến bạo lực học đường, bạo hành gia
đình, trẻ em; từ tai nạn giao thông, tai nạn lao động đến thiên tai dịch họa;
từ xung đột tôn giáo đến chiến tranh; từ chuyện đời tư đến lộ clip sex của giới
showbiz; từ chuyện đấu đá nội bộ đến công kích cá nhân; từ chạy chức chạy quyền
đến tham ô tham nhũng… Nhiều bởi vì những thong tin như này lại có tốc độ lan
truyền vô cùng khủng khiếp tác động nghiêm trọng đến tư tưởng, nhận thức, tâm
tư tình cảm của mọi tầng lớp trong xã hội. Lâu dần hình thành tâm lý chán ghét,
phẫn nộ, bất an thậm chí là kích động hận thù. Thêm vào đó, nhiều tờ báo vì mục
tiêu lợi nhuận, câu khách nên hàng ngày, hàng giờ đã bơm kích một lượng lớn
thông tin, quan điểm tiêu cực, trái chiều lên mạng góp phần đẩy nhanh hơn tiến
trình “nhiễm độc tiêu cực” trong công chúng.
Theo quy luật tâm lý, thông tin dù đúng
dù sai, thật hay giả nhưng nếu lặp đi lặp lại nhiều lần thì không ít người sẽ
dần cho đó là sự thật. Càng nguy hại hơn khi các tin giật gân, thật giả đó được
lồng ghép cực kỳ tinh vi khiến hầu như người đọc không mảy may ngờ nghi. Chúng
ta đã chứng kiến không ít những bi kịch đau lòng từ những tin tức như thế. Điển
hình như những vụ tấn công tập thể vào người vô tội khi có kẻ tung tin rằng họ
là kẻ bắt cóc trẻ con, là tên trộm chó hay thôi miên lừa đảo… Sở dĩ những tin
tiêu cực hấp dẫn người đọc là bởi nó đánh vào sự tò mò, bản năng và tâm lý phản
kháng, bất mãn trước những tiêu cực của xã hội, dễ tiêm nhiễm, ngấm sâu vào
tiềm thức người đọc.
Khoa học đã chỉ ra, cảm giác tiêu cực
không chỉ cách nhìn trở nên u tối, buồn chán, mất hết sức lực để tiếp tục công
việc và cuộc sống mà nó còn khiến tim mạch, bộ não, hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch
của cơ thể chúng ta gặp vấn đề và hỗn loạn! Sau khi chụp MRI não bộ (chụp cộng
hưởng từ) của những người tiêu cực, bất mãn, các nhà khoa học phát hiện, phần
não điều khiển cảm giác đau vật lý làm việc tăng đột biến. Việc này khiến não
bộ bị kích thích sản xuất các hormone như cortisol (làm tăng đường huyết và
huyết áp) và adrenalin tác dụng trên thần kinh giao cảm, làm cho loạn nhịp tim.
Việc các hormone tăng đột biến còn có thể gây dẫn đến các triệu chứng thể chất
như khó thở, suy tim, đôi khi còn gây tử vong. Các nhà khoa học sau khi nghiên
cứu não bộ của người bất mãn, thất vọng, so sánh giống với người nghiện cocain
mà không được thỏa mãn. Vậy thì tại sao bạn phải tự tra tấn cả tâm hồn và cơ
thể mình như thế ?
Cảm xúc tiêu cực dễ lây lan và ảnh hưởng
đến mọi ngóc ngách đời sống. Cảm xúc tiêu cực còn phá hủy môi trường làm việc
của một tập thể, hủy hoại các mối quan hệ xã hội, tình cảm gia đình và cả sự
nghiệp của mỗi người. Chỉ cần một thành viên trong gia đình mang cảm xúc tiêu
cực sẽ khiến cả gia đình ấy ngột ngạt. Một vài cá nhân mang cảm xúc này cũng đủ
khiến không khí làm việc của công ty, tổ chức căng thẳng, hao mòn. Một cộng
đồng nhỏ mang cảm xúc tiêu cực bất mãn cũng khiến cả đất nước rệu rã, ì ạch và
trật tự xã hội cũng trở nên ngả nghiêng tiêu điều như cơn bão đi qua.
Phương Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét