Trong thời gian qua liên tục
xuất hiện tình trạng một số cá nhân đăng tải, chia sẻ, bình luận trên mạng xã
hội, nhất là Facebook, những thông tin phiến diện, thiếu chính xác, chưa được
kiểm chứng, hoặc thông tin về những vụ việc đang trong quá trình điều tra, chưa
có kết luận chính thức… dẫn đến tâm lý hoang mang, phản ứng trái chiều trong dư
luận xã hội, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch và các đối tượng phản động,
cực đoan chính trị tuyên truyền xuyên tạc, chống phá gây mất ổn định chính trị,
kinh tế, xã hội. Trước thực trạng trên, cán bộ, đảng viên, nhân dân cần nhận
diện rõ thông tin xấu, độc, từ đó đẩy lùi tác động của nó đối với nhận thức của
mỗi người.
Về nội dung và bản chất, có thể
nhận diện thông tin xấu, độc tán phát trên internet và mạng xã hội là những
thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng, thay đen”,
làm lẫn lộn đúng sai, thật giả hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với
dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu thù địch. Đó là các
dạng thông tin có nội dung không phù hợp về chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần
phong mỹ tục như: kích động bạo lực, bôi nhọ đời tư, vu khống…; thông tin sai
trái, độc hại có tính chất tội phạm tin học như: lừa đảo trên mạng, đánh cắp
thông tin, mật khẩu, tán phát vi rút…
Về thủ đoạn tán phát thông tin
xấu, độc, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang sử dụng các
phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, xảo quyệt. Chúng lợi dụng các trang mạng
lớn trên thế giới như Google, Facebook, kênh Youtube làm công cụ, sử dụng và
nhân rộng mạng lưới cộng tác viên rộng khắp để xuyên tạc, chống phá ta; tận
dụng tối đa những ý kiến, đánh giá, nhận xét của các cá nhân, tổ chức có uy
tín, có tầm ảnh hưởng trong và ngoài nước, tạo dựng các trang web, các tài
khoản cá nhân trên mạng nói chung, trên Facebook nói riêng để “chia sẻ”, phát
tán thông tin xuyên tạc, bịa đặt chống phá.
Đối với mỗi cán bộ, đảng viên để
nhận diện, phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tác động từ thông tin xấu, độc
trên mạng xã hội, cần tuân thủ một số nguyên tắc sau.
Một là, luôn chủ động nâng cao
kiến thức xã hội về mọi mặt, nhất là đối với thanh-thiếu niên, công nhân, phụ
nữ… nhằm xây dựng cho mình nhận thức chính trị đúng đắn để xem xét, tiếp cận
thông tin một cách khách quan, đầy đủ, chính xác từ những nguồn thông tin chính
thống, tránh tiếp cận thông tin phiến diện, một chiều. Nâng cao tinh thần cảnh
giác, sẵn sàng tham gia đấu tranh với những nhận thức không đúng, ngộ nhận, mơ
hồ trước các nguồn thông tin sai trái, thù địch với quan điểm, đường lối của
Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Hai là, mỗi người có ý thức tự
giác, kỷ luật trong quá trình tiếp xúc thông tin; chấp hành tốt các quy định về
quyền thông tin, phạm vi thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp năm
2013, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật An ninh mạng. Đồng thời tích cực
tham gia vạch trần, cảnh báo đến người dùng mạng xã hội những biểu hiện xào xáo
thông tin, lưu truyền thông tin xấu, độc, thông tin thất thiệt…
Ba là, không nghe, đọc, xem
những đài, báo, trang mạng, bài viết, blog, video của những phần tử chống đối,
phản động. Không tán phát, chia sẻ thông tin kích động biểu tình hay hình ảnh,
video clip về cảnh tụ tập đông người, biểu tình gây rối. Không tin, nghe, làm
theo hay ủng hộ lời xúi giục của kẻ xấu có những hành động vi phạm pháp luật
(gây mất an ninh trật tự, vi phạm an toàn giao thông, gây thương tích cho người
khác, chống người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản của Nhà nước và doanh
nghiệp...). Phát hiện, tố giác và sẵn sàng tham gia đấu tranh ngăn chặn kẻ xấu
kích động việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, kịp thời thông báo cho các
cơ quan, đoàn thể để xử lý. Tích cực chia sẻ những thông tin chính thống để
cùng tuyên truyền vận động bạn bè, người thân, đồng nghiệp, cộng đồng hiểu và
nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước,
cấp ủy, chính quyền các cấp; không tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật.
Văn Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét