Thứ Năm, 4 tháng 7, 2019



Trong mấy ngày qua, dư luận Việt Nam và Campuchia dậy sóng về hai phát biểu liên tiếp nhau của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng Việt Nam “xâm lược” (invade/invasion) Campuchia năm 1978/79. Xung quanh vấn đề này, chúng ta cần có một cách nhìn tỉnh táo, khách quan để hiểu được bản chất sự kiện, không nên để cảm xúc lấn át lý trí, dẫn tới các suy nghĩ, hành động dù có hảo ý nhưng lại phản tác dụng, gây phương hại cho quan hệ Việt Nam – Singapore cũng như lợi ích quốc gia của bản thân Việt Nam.
Trước tiên, bài viết này xin được phép không đi vào phân tích về bản chất đúng sai của phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long, bởi bản chất hành động của Việt Nam đối với Campuchia, cụ thể là chế độ Khmer Đỏ, vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Về đạo đức, Việt Nam đã hành động đúng, nhưng về pháp lý, thời điểm đó hành động của Việt Nam vẫn còn những lỗ hổng. Ngoài ra, bối cảnh Chiến tranh Lạnh, sự đối đầu giữa hai khối Đông – Tây, cộng sản – phi cộng sản… lúc đó càng làm cho vấn đề phức tạp hơn. Cần nhìn nhận thái độ và hành vi của Singapore đối với vấn đề Campuchia trong bối cảnh đó, và chính sách của Singapore về vấn đề này chủ yếu dựa trên chủ nghĩa hiện thực/ thực dụng trong chính sách đối ngoại của họ. Trong chính trị hiện thực, vấn đề đạo đức chỉ đóng vai trò thứ yếu, lực lượng chi phối chính là tính toán lợi ích quốc gia, là sự theo đuổi an ninh và quyền lực. Chính vì vậy, bản chất hành động của Việt Nam đúng sai thế nào không phải là cơ sở để Singapore hành động. Singapore đơn giản là đã theo đuổi lợi ích quốc gia của mình một cách thực dụng như đa phần các quốc gia khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, người viết cũng cho rằng các đề cập của phía Singapore về sự kiện này có thể là không hoàn toàn cần thiết, nhất là trong bối cảnh quan hệ Việt Nam – Singapore đang phát triển tốt, và ASEAN đang cần sự đoàn kết nội khối hơn bao giờ hết. Các phát ngôn của Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan sau khi nhận được phản ứng của Việt Nam và Campuchia dường như đã ngầm thừa nhận sơ suất này.
Quay lại vấn đề rộng lớn hơn là chính sách của Singapore với Việt Nam, mấy ngày vừa qua xuất hiện một số tranh luận về vấn đề này, trong đó có ý kiến cho rằng Singapore đang thay đổi chính sách đối với Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam vươn lên, có thể thách thức vai trò, vị thế của Singapore. Ngoài ra, trong bối cảnh cạnh tranh Trung – Mỹ gia tăng, Singapore đang dường như “xoay trục” từ Mỹ sang Trung Quốc, và do Việt Nam đang phát triển quan hệ tốt với Mỹ, nên dẫn tới Singapore có vẻ cảm thấy không hài lòng với Việt Nam. Tác giả bài viết này nhận thấy những phân tích như vậy là chưa đủ cơ sở, gây thêm những hiểu lầm, chia rẽ không cần thiết giữa Việt Nam và Singapore, cũng như trong nội bộ ASEAN.
Thứ nhất, đối với lập luận cho rằng “có sự đổ vỡ “lòng tin chiến lược” giữa Singapore và Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump”, chúng ta cần nhận thấy hợp tác mọi mặt của Singapore với Mỹ vẫn đang rất mạnh. Ông Lý là một trong những lãnh đạo ASEAN đầu tiên tới thăm Mỹ sau khi ông Trump đắc cử. Về kinh tế Singapore vẫn rất coi trọng Mỹ, nhất là về đầu tư. Về chiến lược, Singapore vẫn là đối tác an ninh hàng đầu của Mỹ ở châu Á, thậm chí các học giả Trung Quốc vẫn gọi Singapore là “quasi-ally” (bán đồng minh) của Mỹ. Singapore vẫn là cơ sở hậu cần quan trọng cho quân đội Mỹ và là nơi Mỹ triển khai các tài sản quân sự cho các hoạt động ở Đông Nam Á, bao gồm Biển Đông. Các hoạt động hợp tác khác như mua sắm vũ khí (điển hình như F35), đào tạo binh sĩ Singapore tại Mỹ… vẫn được tiến hành bình thường. Cho dù có những điểm Singapore không hài lòng với chính quyền Trump, nhưng không đến mức gọi là “đổ vỡ lòng tin chiến lược” giữa hai bên.
Thứ hai, lập luận cho rẳng Singapore đang “xoay trục” về phía Trung Quốc cũng không thỏa đáng. Singapore chỉ muốn cân bằng hai bên, không chọn phe, vì Trung Quốc cũng quan trọng đối với Singapore về kinh tế. Gần đây một vài quan chức Singapore có một số phát biểu theo hướng Mỹ nên công nhận vai trò của Trung Quốc để không gây căng thẳng cho khu vực, nhưng họ không hề có ý làm suy yếu quan hệ với Hoa Kỳ. Hợp tác kinh tế, an ninh với Mỹ vẫn rất mạnh, đối với Singapore, Mỹ vẫn là một quốc gia “cân bằng từ xa” cực kỳ quan trọng, giúp đảm bảo trật tự khu vực mở và tự do dựa trên luật lệ mà Singapore muốn duy trì. Vì vậy chuyện xoay trục sang Trung Quốc đối với Singapore là không thể. Họ không muốn một cường quốc nào áp đảo khu vực. Bài phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long ở Đối thoại Shangri La có những điểm “bênh” Trung Quốc nhưng cũng có điểm chỉ trích Trung Quốc, đối với Mỹ cũng vậy.
Về nhận định cho rằng, Singapore đang cố tình gợi lại quá khứ để gây nghi ngờ, làm giảm năng lực tập hợp của Việt Nam, gây mất uy tín của Việt Nam trước thềm năm chủ tịch ASEAN của Việt Nam, tác giả bài viết này cho rằng nhận định đó hoàn toàn không có cơ sở. Một điều có thể thấy là hai phát biểu của ông Lý xảy ra quá sát nhau nên tạo ra hiệu ứng tiêu cực lớn. Thứ hai, dù hàm ý các phát biểu này đúng là có nói Việt Nam “xâm lược”, nhưng nên nhìn nó trong bối cảnh của hai phát biểu: phát biểu đầu tiên nói về vai trò lịch sử của tướng Prem Tinsulanonda, phát biểu thứ hai nói về ý nghĩa của sự ổn định khu vực đối với thịnh vượng mỗi nước. Không có bằng chứng rõ ràng cho thấy Singapore chủ định “tấn công” Việt Nam một cách có chủ đích. Hơn nữa, có thể những lời đó chỉ là do phụ tá/người viết diễn văn của ông Lý viết theo kiến thức lịch sử mà họ biết lâu nay (và bản thân ông Lý đương nhiên cũng không nghi ngờ về tính xác thực của nó bởi Singapore đã giữ quan điểm như vậy ngay từ đầu). Vì vậy, khó có thể cho rằng ông Lý cố tình hạ uy tín Việt Nam. Ngoài ra, trong ASEAN, Việt Nam có vai trò quan trọng đối với Singapore về cả kinh tế lẫn chiến lược, và đối với Singapore vai trò của ASEAN rất quan trọng. Vì vậy, Singapore không có lợi ích gì khi gây mâu thuẫn với Việt Nam hay làm ASEAN thêm chia rẽ.
Cũng xin được nói thêm, trong phân tích chính sách đối ngoại của một quốc gia, ngoài phân tích lợi ích quốc gia và bối cảnh quốc tế của quốc gia đó, người ta cũng phải dựa vào các quan điểm, luận điệu chính thức của họ (như tuyên bố chính sách, quan điểm của học giả, báo chí, phát biểu của các lãnh đạo…), đồng thời phân tích các động thái, hành vi đối ngoại của quốc gia đó với quốc gia liên quan. Cho đến lúc này cả về căn bản lợi ích quốc gia, lẫn luận điệu, diễn ngôn, đến động thái, hành vi… không có bằng chứng nào rõ ràng và hệ thống cho thấy Singapore đang thay đổi chính sách đối với Mỹ, Trung Quốc hay Việt Nam. Nếu chỉ dựa vào hai phát biểu với lập luận không có gì mới và rất phù hợp với bối cảnh đó của ông Lý để cho rằng Singapore đang thay đổi chính sách, thái độ với Việt Nam thì quá đơn giản hóa vấn đề và sai lầm. Các tuyên bố của Bộ Ngoại giao Singapore về vấn đề này đã khẳng định lại điều đó, là không có gì thay đổi trong thái độ, chính sách của Singapore đối với Việt Nam.
Tóm lại, những phân tích chưa có cơ sở vững chắc, theo hướng “thuyết âm mưu” về các phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long chỉ càng gây thêm hiểu lầm và chia rẽ giữa Việt Nam và Singapore, không có lợi cho Việt Nam lẫn ASEAN, chỉ có lợi cho các thế lực thứ ba mà thôi. Thay vì giúp bảo vệ và nâng cao lợi ích cho Việt Nam, các quan điểm như vậy lại vô tình làm hại lợi ích của chính chúng ta. Phía Singapore đã giải thích về sự cố này, vì thế chúng ta nên dừng câu chuyện này lại để nó không đi quá xa, gây ảnh hưởng tiêu cực không cần thiết đến quan hệ song phương nói riêng cũng như đoàn kết ASEAN nói chung.
Hoàng Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét