Thứ Năm, 4 tháng 7, 2019

PHÂN BIỆT "TIN THẬT - TIN GIẢ" TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG




 
Sự ra đời, phát triển của máy tính và mạng Internet đã tạo nên những đột phá trong kết nối, chia sẻ thông tin, thúc đẩy phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, đồng thời cho phép người sử dụng được tự do cung cấp, tìm kiếm và sử dụng thông tin, tính truyền tải nhanh, thông tin gần như tức thì, dễ tạo hiệu ứng xã hội theo chiều rộng nên rất khó quản lý và kiểm soát. Tính ưu trội của mạng xã hội tạo ra khả năng giao lưu, chia sẻ, kết nối cộng đồng rất thuận lợi. Bên cạnh đó, internet, mạng xã hội cũng được ví như con dao 2 lưỡi chứa nhiều hiểm họa khó lường đối với người sử dụng không đúng mục đích. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay các thế lực thù địch đã triệt để tận dụng mạng internet để thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam bằng vô số thông tin, hình ảnh có nội dung xấu độc, trái với truyền thống văn hóa dân tộc... với ngôn ngữ, luận điệu đầy tính kích động, phản động, phủ nhận thành quả cách mạng thành tựu của công cuộc đổi mới, tìm mọi cách chống phá nước ta được tán phát lên các trang thông tin điện tử, blog, mạng xã hội.
   Vì vậy, để ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xấu độc trên internet và mạng xã hội, phòng, chống có hiệu quả tác động tiêu cực của các trang mạng xã hội, làm thất bại âm mưu phá hoại của các thế lực phản động trên mạng internet, đòi hỏi mỗi chúng ta phải tự trang bị kỹ năng sàng lọc, phân biệt thông tin xấu, độc, thông tin nào là thật, thông tin nào là giả... trên không gian mạng.
 Trước hết cần phân biệt những kiểu tin giả và tin lừa đảo. Kiểu tin giả là những loại tin dễ bị nhận ra nhất và thường xuất hiện trên các trang tin giả mạo vốn được thiết kế để sao cho trông như những trang tin chính thống. Chúng có thể chứa các hình ảnh và những tít báo mà thoạt đầu mới nhìn có vẻ y như thật. Kiểu tin lừa đảo là oại tin thường khó phanh phui vì chúng thường chứa một phần nội dung chính là sự thật. Đó có thể là một thông tin, sự kiện hay một câu trích dẫn đã bị tách ra khỏi bối cảnh. Thông tin kiểu này thường có trong những tít báo giật gân nhưng không có các thông tin bổ trợ cho nó trong nội dung đi kèm. 
Ngoài tin giả, tin lừa đảo, trên không gian mạng còn xuất hiện các dạng thức thông tin khác như: Thông tin thiên vị, đây cũng là một dạng thông tin lừa đảo khi những sự kiện thực tế bị người viết thao túng theo chiều hướng có lợi cho mục đích tuyên truyền của họ. Thông tin câu like là loại tít bài gây sốc hay có tính khiêu khích lừa bạn nhấp chuột vào xem. Chúng thường không có nội dung thỏa mãn những "hứa hẹn" đã nêu trong tiêu đề bài. Tin tức châm biếm, đây là kiểu tin tức rất khó phát hiện vì dạng tin châm biếm không cần phải tỏ ra là tin tức thật, nó dùng trong mục đích bình luận hay giải trí. Với những người không quen với các trang web kiểu châm biếm, họ hiểu lầm và có thể chia sẻ thông tin trên đó như thể đó là những thông tin chính thống.
          Từ những thực trạng về các kiểu loại thông tin nêu trên, việc kiểm chứng thông tin là điều quan trọng đối với tất cả chúng ta. Trước khi chia sẻ, bình luận hay tin tưởng thông tin nào đó chúng ta cần phải suy nghĩ, cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Để làm tốt việc kiểm chứng, chúng ta nên đặt ra một số câu hỏi khi cảm thấy một thông tin chưa thực sự tin cây hoặc có những biểu hiện gây hoài nghi:
Tin tức đó có xuất hiện trên các trang website chính thống không? Nội dung tiêu đề thông tin có khớp với nội dung thông tin trong bài báo không? Thông tin đó mới xảy ra gần đây hay là thông tin cũ được sử dụng lại với mục đích khác? Các video và hình ảnh bổ trợ cho tin tức có thể kiểm chứng được không? Đó có phải trang tin duy nhất phát đi thông tin này không? Có phải chính chúng ta đang tin tưởng nó quá hay không? Trang tin này đã cơ quan chức năng truyền thông kiểm chứng chưa?...vv
          Như vậy với việc đặt ra những câu hỏi đó chúng ta có thể nhanh chóng đưa ra các quyết định chia sẻ, bình luận hay đặt niềm tin vào thông tin một cách đúng đắn nhất, kịp thời nhất. Trước sự phát triển mạnh mẽ và bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin việc xác định phân biệt thông tin thật, giải trên không gian mạng là một kỹ năng cần thiết đối với mỗi chúng ta, nhất là đối với cán bộ, chiến sỹ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tiến Dũng 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét