Việt Nam là nước đa tôn giáo.
Mặc dù nguồn gốc, đặc điểm và thời điểm hình thành, phát triển của mỗi tôn giáo
có khác nhau, nhưng nhìn chung các tôn giáo luôn có tinh thần bao dung, đoàn
kết, gắn bó trong đại gia đình các dân tộc, tôn giáo Việt Nam. Cộng đồng các
tôn giáo ở Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, hòa chung cùng niềm vui và nỗi
đau của dân tộc trong những thời khắc lịch sử, góp phần phát triển và làm rạng
rỡ nền văn hoá Việt Nam phong phú, đa dạng và đặc sắc. Trong tiến trình cách
mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tôn giáo đã đóng góp xứng đáng
vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm
lược và tiếp tục phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều
chức sắc tôn giáo, tăng ni, phật tử đã làm tốt việc đạo, việc đời, hướng dẫn
tín đồ chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước, sống “tốt đời, đẹp đạo”, “kính Chúa yêu nước” được ghi nhận
và tôn vinh.
Nhận thức đúng vai trò
của các tôn giáo và các tín đồ tôn giáo, Đảng và Nhà nước ta luôn có quan điểm,
chính sách đúng đắn về vấn đề này và khẳng định: “Tín ngưỡng tôn giáo là nhu
cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp
với công cuộc xây dựng xã hội mới”; trên cơ sở đó, thường xuyên quan tâm, tạo
điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hệ thống giáo lý, giáo luật
và quy định của pháp luật Việt Nam. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu
tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối
đại đoàn kết toàn dân tộc hoặc những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái quy
định của pháp luật. Chính sách tôn giáo đúng đắn đó đã có tác dụng cổ vũ, động
viên đồng bào theo đạo và các chức sắc tôn giáo phấn khởi, chung sức, chung
lòng cùng cộng đồng, làm tròn nghĩa vụ, trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc.
Mục tiêu xuyên suốt của các thế lực phản
động và thù địch là xóa bỏ chế độ xã hội ở nước ta. Để thực hiện mục tiêu đó,
âm mưu của chúng là chia rẽ sự đoàn kết lương giáo, chia rẽ các tôn giáo với
nhau, tách các tôn giáo ra khỏi khối đại đoàn kết toàn dân, tách các tôn giáo
ra khỏi phong trào, sự nghiệp cách mạng chung của cả dân tộc. Các thế lực thù
địch đã và đang sử dụng các thủ đoạn như xuyên tạc sự thật về tình hình tôn
giáo Việt Nam, xuyên tạc chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà Nước ta, vu cáo
chính quyền đàn áp tôn giáo. Hành động chống phá của chúng tập trung vào một số
hoạt động chủ yếu như tìm cách ủng hộ các tổ chức phản động; dung túng, giúp đỡ
lực lượng phản động trong tôn giáo người Việt lưu vong ở nước ngoài; hỗ trợ,
kích động và chỉ đạo các đối tượng cực đoan, phản động tôn giáo ở trong nước;
tài trợ về tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật cho các hoạt động chống phá Việt
Nam.
Biểu hiện cụ thể của hoạt động này mà các đối tượng thường sử
dụng là lợi dụng sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo để khống chế, kích động quần
chúng, tuyên truyền chống chế độ. Lợi dụng thần quyền và hệ thống tổ chức tôn
giáo hoặc tổ chức mang danh nghĩa tôn giáo để tập hợp lực lượng, kích động,
khống chế quần chúng, phá rối trật tự an ninh, gây bạo loạn. Lợi dụng các cơ sở
tôn giáo ở vùng dân tộc làm nơi cất giấu vũ khí, phương tiện, nơi tụ họp, chỉ
đạo hoạt động chống phá. Lôi kéo một số chức sắc, cốt cán trong các tổ chức tôn
giáo là người dân tộc thiểu số, móc nối, cấu kết giữa những phần tử phản động
trong nước với bọn phản động bên ngoài để hoạt động phá hoại an ninh quốc gia.
Lợi dụng những sơ hở thiếu sót của chính quyền địa phương trong giải quyết, xử
lý các vụ việc liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo... để xuyên tạc, vu cáo,
chống phá Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực dân chủ và nhân quyền.
|
Gia Mởn
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét