Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2023

“Tam quyền phân lập” không phải là sự lựa chọn mô hình tổ chức nhà nước của Việt Nam


Trong thời gian gần đây, một số cá nhân lợi dụng việc chậm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước ở các cấp, tình trạng tham nhũng của một số cán bộ, đảng viên và việc hoạt động chưa thật sự hiệu quả của một số thiết chế trong bộ máy nhà nước... để phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức cũng như hoạt động của bộ máy nhà nước và tung hô, cường điệu hóa, lý tưởng hóa học thuyết “tam quyền phân lập”. Đây là những luận điệu không mới và đã được các thế lực thù địch, phản động ra sức tuyên truyền, kích động nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN ở nước ta. Có thể khẳng định ngay rằng, đó là luận điệu sai trái, cực đoan và cơ hội chính trị.

Như chúng ta đã biết bản chất và nguồn gốc của quyền lực nhà nước, quyền lực nhà nước là thống nhất; mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ thể tối cao và duy nhất của quyền lực nhà nước. Khi quyền lực nhà nước là thống nhất và thuộc về nhân dân, thì về nguyên tắc, quyền lực nhà nước không thể phân chia (chia sẻ cho cá nhân hay tổ chức nào khác); các cơ quan nhà nước khi thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp là thực hiện các quyền của nhân dân giao phó, ủy quyền. Đó không phải là sự phân chia quyền lực, mà là sự phân công chức năng giữa các cơ quan quyền lực nhà nước thống nhất.

Quyền lực nhà nước vốn dĩ là một chỉnh thể, bao gồm các bộ phận cấu thành quan hệ hữu cơ với nhau và với toàn bộ quyền lực nhà nước, không thể phân tách độc lập và yêu cầu các quyền chế ước, kiểm soát “tuyệt đối” lẫn nhau được. Trên thực tiễn, quyền lực nhà nước tư sản dù có cố tổ chức theo tam quyền phân lập, nhưng thực chất vẫn là thống nhất, không tách rời. Vì thế, những cố gắng phân quyền trong các hiến pháp tư sản đã bị phá sản trong thực tiễn; tư tưởng của những người “sáng lập” ra nó cũng trở nên vô ích.

Ở Việt Nam, tổ chức quyền lực nhà nước theo nguyên tắc thống nhất quyền lực, không phân lập, nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Điều 2 Hiến pháp 2013 đã khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Sự khẳng định quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp là một bước phát triển mạnh mẽ trong việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước của Đảng ta. Với sự hoàn thiện này, nguyên tắc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước của Nhân dân được xác định bởi bốn nội dung quan trọng: thống nhất quyền lực, phân công quyền lực, phối hợp quyền lực và kiểm soát quyền lực.

Tổ chức quyền lực của bộ máy nhà nước ta dựa trên quan điểm về sự thống nhất quyền lực:“Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”của tư tưởng dân chủ XHCN. Nguyên lý này không những được quy định trong các bản Hiến pháp của nước ta mà hầu hết các nước có chế độ chính trị dân chủ và pháp quyền trên thế giới. Theo đó, nhân dân thực hiện quyền dân chủ đại diện bằng cách trao một phần quyền lực nhà nước của mình cho Quốc hội, cho Chính phủ và cho cơ quan tư pháp, đồng thời giữ lại một phần quyền lực của mình để thực hiện hình thức dân chủ trực tiếp. Hiến pháp 2013 khẳng định rõ nguyên tắc phân công phối hợp giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp khi quy định: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước; Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội; Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.

Thực tế ở nước ta chỉ ra rằng, quyền lực nhà nước dẫu là quyền lập pháp, hành pháp hay tư pháp đều có chung một nguồn gốc thống nhất là Nhân dân, đều do Nhân dân ủy quyền, giao quyền. Do vậy, nói quyền lực nhà nước là thống nhất trước tiên là sự thống nhất ở mục tiêu chính trị, nội dung chính trị của nhà nước. Cả ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp tuy có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn khác nhau nhưng đều thống nhất với nhau ở mục tiêu chính trị chung là xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như Đảng ta đã chỉ ra.

Để phản bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có hiệu quả, mỗi cán bộ đảng viên cần chủ động học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nghiên cứu kỹ những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nội dung nguyên tắc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước của nhân dân: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hơp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề phải dựa và cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn khoa học khách quan để chứng minh, làm rõ những nội dung xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm xây dựng, cũng cố niềm tin vững chắc vào Đảng, Nhà nước, vào con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét