Kiên quyết, kiên trì
đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo
của Tổ quốc là một chủ trương đúng đắn, nhất quán của Đảng ta; là tiền đề quan
trọng cho đất nước hòa bình, ổn định và phát triển. Nhận thức đúng đắn về chủ
trương và các biện pháp đấu tranh này sẽ góp phần quan trọng nhằm nâng cao tinh
thần đoàn kết, ý chí quyết tâm và niềm tin của Nhân dân vào công cuộc đấu tranh
bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp
của Đảng.
Chủ trương giải quyết
tranh chấp biển, đảo bằng các biện pháp hoà bình của Đảng đã được Nhà nước ta
thể chế hoá trong Luật Biển Việt Nam năm 2012; tại điều 4, khoản 3 đã ghi rõ:
“Nhà nước giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác
bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật
biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế. Đây là chủ trương đúng đắn, phù
hợp với xu thế thời đại (đó là xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển), phù hợp
với luật pháp quốc tế (quy định các nước giải quyết tranh chấp biển, đảo bằng
biện pháp hòa bình, và Liên hợp quốc cũng đã thành lập 4 cơ quan Toà chuyên
giải quyết các tranh chấp biển, đảo giữa các nước); đồng thời chủ trương này
phù hợp với truyền thống hoà hiếu của dân tộc ta trong suốt chiều dài lịch sử
dựng nước và giữ nước.
Trên thực tế, Việt
Nam đang kiên trì thực hiện chủ trương này và cho đến nay đã giải quyết được
một số tranh chấp với các nước láng giềng. Cụ thể là, năm 1997, Việt Nam cùng
Thái Lan phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong
Vịnh Thái Lan; năm 2000, cùng Trung Quốc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền
kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ; năm 2003, cùng Indonesia phân định
thềm lục địa ở Nam Biển Đông; tiếp tục kiên trì đàm phán, phân định biển với
các nước có khu vực biển chồng lấn như Philippines, Malaysia… Gần đây, với
những sự việc căng thẳng, phức tạp trên Biển Đông như Trung Quốc đưa giàn khoan
Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (năm
2014), hay năm 2019, tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 và nhóm tàu hộ tống
Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính (thuộc thềm lục địa Việt Nam về phía Đông
Nam), bằng các biện pháp đấu tranh hòa bình, Việt Nam đã buộc các tàu Trung
Quốc chấm dứt các hành vi xâm phạm, do đó chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của
Tổ quốc được giữ vững. Thực tế này đã chứng minh chủ trương đấu tranh đúng đắn
mà Đảng, Nhà nước ta đã nêu ra; đồng thời bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của
các thế lực thù địch, cơ hội khi cho rằng “Đảng, Nhà nước không có đối sách để
bảo vệ chủ quyền biển, đảo” hay “Việt Nam chỉ biết lên tiếng quan ngại” mà
không dám đấu tranh trực diện để bảo vệ biển, đảo đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét