Kích động mâu thuẫn, gây xung đột về tôn giáo là những thủ đoạn
được các thế lực thù địch thường xuyên sử dụng nhằm chia rẽ, phá vỡ khối đại
đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định trật tự xã hội, hòng làm suy yếu đất nước ta
trong giai đoạn hiện nay.
Với dã tâm
đen tối các thế lực thù địch luôn thực hiện nhiều âm mưu, thủ đoạn hòng chia rẽ,
phá vỡ khối đoàn kết tôn giáo nói riêng, đại đoàn kết dân tộc nói chung. Chúng
lợi dụng triệt để sự phát triển phong phú, đa dạng của các tôn giáo, tín ngưỡng
tại Việt Nam để tung ra các luận điệu kích động, gây chia rẽ người dân, chia rẽ
giữa các tôn giáo với nhau, tạo mâu thuẫn trong nội bộ tôn giáo. Những năm gần
đây, chiêu bài chủ yếu được các tổ chức phản động, cực đoan thực hiện là xuyên
tạc quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo trong các công ước quốc
tế, ngang nhiên cho rằng đây là một quyền dân sự tuyệt đối. Chúng cố tình lờ đi
quy định tại Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị đã khẳng định:
“Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật
và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe
hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”
(khoản 3 Ðiều 18 Công ước).
Những tổ chức, cá nhân phản động, chống phá thường xuyên
xúi giục, lôi kéo một số giáo chức, nhà tu hành và công dân theo tôn giáo tham
gia các vụ việc gây rối an ninh, trật tự, an toàn xã hội dưới vỏ bọc "hoạt
động hành lễ"…
Ở nước ngoài, chúng tiếp tục ban hành nhiều bản kiến nghị,
thư ngỏ, báo cáo xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam trong bối cảnh
đại dịch Covid-19, vu cáo biện pháp giãn cách xã hội, cách ly y tế với người
nhiễm và có nguy cơ cao nhiễm Covid-19, là đàn áp tôn giáo. Ðiều này không những
gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong triển khai các biện pháp phòng, chống
dịch mà còn gián tiếp tạo ra bức xúc trong dư luận, nhất là trong quần chúng
nhân dân không theo tôn giáo, khiến một bộ phận người dân thiếu thông tin, thiếu
hiểu biết có cái nhìn, nhận định tiêu cực, không thiện cảm về một số tôn giáo,
tín ngưỡng.
Tuy nhiên, với bản tính hòa đồng, khoan dung tôn giáo,
người Việt Nam luôn cởi mở trong việc du nhập và dung dưỡng nhiều loại hình tôn
giáo, tín ngưỡng khác nhau, nếu các tôn giáo, tín ngưỡng đó không đi ngược lại
với lợi ích của quốc gia, dân tộc, biết tôn trọng văn hóa bản địa. Chính vì thế,
dù là một quốc gia đa tôn giáo, đa dân tộc song nước ta không có hiện tượng
xung đột tôn giáo.
Kể từ khi giành được độc lập, Ðảng và Nhà nước ta luôn
chú trọng giữ gìn đoàn kết tôn giáo, chủ động tập hợp, phát huy những giá trị
văn hóa, đạo đức tốt đẹp, huy động nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển
đất nước.
Ðiều 3, Luật Tín ngưỡng Tôn giáo 2016 quy định trách nhiệm
của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo như sau: Nhà
nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm
để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị
văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ
tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh
thần của nhân dân; Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản
hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.
Thực tế cho thấy, trải qua nhiều biến cố của lịch sử, các
tôn giáo ở Việt Nam luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc. Nổi bật trong thời gian qua là sự đồng hành, tham gia tích cực
của lực lượng chức sắc, chức việc, nhà tu hành trong công tác xã hội, phòng, chống
dịch, thiện nguyện, xây dựng nếp sống mới… góp phần quan trọng vào sự phát triển
của đất nước, thắt chặt khối đại đoàn kết dân tộc.
Tại Việt Nam, các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật.
Nhà nước nghiêm cấm các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp
luật. Mặt khác, các lãnh đạo Ðảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đến tất cả
hoạt động, sự kiện tôn giáo lớn trong cả nước.
Trong giai đoạn hiện nay, các tôn giáo cần tiếp tục gìn
giữ truyền thống đoàn kết, tương trợ lẫn nhau vốn đã tồn tại xuyên suốt trong
nhiều thế kỷ ở nước ta. Bởi, chỉ khi các tôn giáo duy trì và phát huy lẽ sống
"tốt đời, đẹp đạo", gắn bó với dân tộc, đồng hành cùng đất nước, khối
đoàn kết tôn giáo mới thật sự là tấm khiên vững chắc trước sự tấn công của giặc
ngoại xâm cho đến các tổ chức thù địch, chống phá ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét