Thực tiễn lịch sử dân tộc ta, thực
tiễn cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới đã chứng minh một chân lý: Có dân
là có tất cả; mất dân cũng có nghĩa là mất tất cả. Sức mạnh của Đảng nằm trong
mối liên hệ mật thiết với nhân dân: “Dân là gốc của nước, gốc có vững thì nước
mới yên”. Ông cha ta đã để lại những tư tưởng bất hủ, như: “Khoan thư sức dân để
làm kế sâu rễ, bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”; “Lật thuyền mới biết dân
như nước”; “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”; Cái gốc của nhạc là ở nơi “thôn
cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu”... An Dương Vương chủ quan,
mất cảnh giác, chỉ dựa vào vũ khí, không biết dựa vào sức mạnh nhân dân để chống
giặc ngoại xâm nên kết cục là mất nước.
Chủ nghĩa Mác-Lênin đặt vị trí của
nhân dân lên một tầm cao mới, khẳng định nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử,
tạo ra mọi của cải, vật chất và những giá trị văn hóa, tinh thần. Nhân dân là lực
lượng cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những
quan niệm rất độc đáo, sáng tạo về nhân dân; không những khẳng định dân là gốc
của nước, của cách mạng mà còn đặt nhân dân ở vị trí tối thượng. Người viết:
“Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực
lượng đoàn kết của nhân dân”; “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là
người chủ, mà Chính phủ là người đày tớ trung thành của nhân dân”; “... Quyền
hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Người nhấn mạnh: Sự nghiệp cách mạng là của
nhân dân; nhân dân cần Đảng dẫn đường.
Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn tỏ rõ là một Đảng cách mạng chân
chính, hết lòng phấn đấu vì nhân dân, mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân
dân luôn được củng cố, tăng cường. Sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân,
đó chính là nền tảng, nguồn gốc tạo nên sức mạnh vô địch của Đảng. Lênin từng
căn dặn rằng: Nguy cơ lớn nhất của một đảng cầm quyền là sai lầm về đường lối
và quan liêu, xa rời quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh: Đảng
phải gần dân, trọng dân, tin dân, học dân để lãnh đạo dân. Củng cố, tăng cường
mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân là vấn đề có tính quy luật
trong sự hình thành, tồn tại và phát triển của Đảng ta...
Trong thời kỳ
phát triển mới của đất nước, thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa, hội nhập của
Đảng, đòi hỏi mỗi người cán bộ, đảng viên của đảng cầm quyền phải luôn nêu cao
đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính; phải đặt lợi ích của cách mạng, của
Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết, thật sự xứng đáng là người lãnh đạo,
người đầy tớ thật trung thành của nhân dân; phải đi sâu, đi sát thực tế, gần
gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Có
như vậy, mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân mới được củng cố, tăng cường.
Khi Đảng đã gắn bó máu thịt với dân, dân tin yêu Đảng thì Đảng sẽ có sức mạnh
vô địch để vượt qua mọi thác ghềnh, vững tay chèo lái đưa con thuyền cách mạng Việt
Nam thẳng hướng./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét