Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2023

KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2022 TĂNG TRƯỞNG MẠNH MẼ


Trong năm 2022, nền kinh tế Việt Nam không bị suy thoái trong đại dịch và phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ đã khẳng định nội lực và khả năng chống chịu tốt của nền kinh tế. Đây là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó nổi bật là sự điều hành chủ động, sáng tạo, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã xác định phải đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế một cách thực chất và hiệu quả hơn…

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng xác định nhiệm vụ phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, tăng cường kết nối vùng, liên vùng, khu vực, quốc tế, nhất là công trình hạ tầng giao thông quan trọng như Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông; dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành…

Báo cáo của Chính phủ về kết quả kinh tế-xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 do Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nêu rõ tăng trưởng GDP cả năm ước đạt trên 8% (mục tiêu đề ra là 6-6,5%).

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ước cả năm tăng khoảng 4%. Thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định.

Thu ngân sách nhà nước cả năm ước vượt 14,3%, tăng 2,9% so với năm 2021. Lĩnh vực xuất khẩu trong 11 tháng của năm 2022 tăng hơn 13,4%, xuất siêu đạt 10,6 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài được giải ngân tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các ngân hàng thương mại yếu kém, doanh nghiệp thua lỗ, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả kéo dài đã và đang được quyết liệt tháo gỡ, xử lý; thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đạt kết quả tích cực. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia được kiểm soát an toàn. Công tác xây dựng quy hoạch được chú trọng thúc đẩy; đã lập, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, một số quy hoạch quốc gia, vùng, địa phương.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề "Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2022 và định hướng điều hành năm 2023," Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định, những thành tựu đáng tự hào mà Việt Nam đạt được trong năm 2022 là nhờ chủ trương đúng đắn của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội và sự điều hành chủ động, sáng tạo, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Những thành tựu đạt được nêu trên là kết quả của quá trình kiên trì thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa hợp tác cùng phát triển; tranh thủ ngoại lực, phát huy tối đa nội lực, liên tục củng cố các nền tảng vĩ mô và năng lực sản xuất nội địa; chủ động, linh hoạt trong giải quyết các vấn đề mới phát sinh.

Kinh tế Việt Nam vượt qua đại dịch COVID-19 và phục hồi ngoạn mục cũng khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng ta luôn ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn lên hàng đầu trong suốt quá trình phát triển. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần tự lực, tự cường, lấy khó khăn, thách thức là động lực phấn đấu vươn lên; phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét