Các thế lực thù địch luôn lợi dụng
danh nghĩa nhân quyền để can thiệp, xâm phạm chủ quyền, độc lập của Việt Nam,
coi “dân chủ”, “nhân quyền” thực chất là một “chiêu bài” của các nước phương
Tây để can thiệp vào công việc nội bộ, quyền tự quyết của Việt Nam, là sự áp đặt
trắng trợn, ngạo nghễ những giá trị không phù hợp của Mỹ và phương Tây vào tình
hình cụ thể và truyền thống của Việt Nam.
Từ ngày 11/10/2022, tại
phiên họp của Đại Hội đồng Liên Hợp quốc khóa 77 ở New York (Mỹ), với đa số
phiếu đồng ý, Việt Nam đã trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp
quốc 2025. Từ khi thông tin Việt
Nam là quốc gia duy nhất của ASEAN ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc
nhiệm kỳ 2023-2025, các thế lực thù địch, phản động, số cá nhân, tổ chức thiếu
thiện chí trong và ngoài nước đã lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để tuyên
truyền, xuyên tạc, vu cáo về việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam và phủ
nhận những đóng góp của Việt Nam đối với việc bảo đảm quyền con người đối với
cộng đồng quốc tế. Họ còn đưa ra các “thư ngỏ”, “kiến nghị” gửi đến các thành
viên của Đại Hội đồng Liên Hợp quốc đề nghị không bầu chọn Việt Nam vào thành
viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc.
Nhận diện các luận điệu
của các thế lực thù địch
Họ đưa ra những luận
điệu vu cáo “Việt Nam vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”, “Việt Nam không đủ tiêu
chuẩn vào thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc”, “Việt Nam xem giá trị
dân chủ, nhân quyền như kẻ thù”; cổ xúy quan điểm “đa đảng là dân chủ, độc đảng
là độc tài”, “Việt Nam phải đa đảng đối lập để có dân chủ thật sự”, “muốn thực
sự có dân chủ cho người dân và phát triển xã hội phải thực hiện đa nguyên, đa
đảng”... Một số tổ chức ở ngoài nước sử dụng chiêu bài bôi lem vấn đề nhân
quyền ở Việt Nam bằng cách bình chọn, trao “giải thưởng nhân quyền” cho các đối
tượng phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm lợi
ích của cá nhân, tổ chức, lợi ích Nhà nước để tạo dựng ngọn cờ chống phá và hạ
thấp uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thực tế, luận điệu mà
các thế lực thù địch, phản động, những cá nhân, tổ chức chống phá đưa ra đều
phản ánh sai lệch, xuyên tạc vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, những đóng góp của
Việt Nam đối với việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trong thời gian qua. Kết
quả lần thứ 2 được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc là sự khẳng định
và góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Những minh chứng sống động phản bác các luận điệu cho rằng Việt Nam vi
phạm quyền con người, chúng ta thấy rõ thành tựu nhân quyền trên các phương
diện sau:
Hiến pháp năm 2013 bao
gồm 11 chương, 120 điều, trong đó riêng Chương II có 36 điều quy định về quyền
con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Các điều của Hiến pháp xác
định rõ “mọi người có quyền”, “công dân có quyền”… để khẳng định tính pháp lý
của các quyền được Hiến pháp thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ. Đồng thời, để bảo
đảm quyền con người trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Bên cạnh việc hoàn
thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo quyền con người, trong quan hệ hợp tác quốc
tế về bảo vệ, thúc đẩy nhân quyền và là thành viên có trách nhiệm của Liên Hợp
quốc, Việt Nam đã tham gia 4 Công ước Geneva của Luật Nhân đạo quốc tế năm
1957; Công ước về quyền dân sự, chính trị; Công ước về quyền kinh tế - xã hội
và văn hóa, ký ngày 24/9/1982; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối
xử với phụ nữ, ký ngày 18/12/1982; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt
chủng tộc, ký ngày 19/3/1982; Công ước về quyền trẻ em, ký ngày 20/2/1990; Công
ước về quyền của người khuyết tật, ký ngày 22/10/2007. Đồng thời, Việt Nam tham
gia trong việc thành lập Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền, ký ngày
23/10/2009, Ủy ban thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC), ngày
7/4/2010...
Ngày 12/7/1992, Ban Bí
thư Trung ương Đảng khóa VII đã ban hành Chỉ thị 12-CT/TW về vấn đề quyền con
người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta đã khẳng định “Quyền con người là
giá trị chung của nhân loại. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và các
văn kiện Đại hội Đảng luôn nhấn mạnh phải quan tâm hơn nữa đến việc chăm lo
hạnh phúc, sự phát triển tự do, toàn diện của con người, bảo vệ quyền và lợi
ích hợp pháp của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về
quyền con người mà Việt Nam ký kết.
Việt Nam là nước đầu
tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên Hợp quốc về
quyền trẻ em. Đến nay, Việt Nam đã ký kết, gia nhập hầu hết các công ước quốc
tế về quyền con người. Mới đây, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc ngày
04/7/2019 tại Geneva (Thụy Sỹ) khẳng định nỗ lực và thành tựu của Việt Nam
trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh
giá cao. Sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những thành tựu của Việt Nam
trong việc bảo đảm quyền con người là những minh chứng sinh động bác bỏ những
luận điệu sai trái, xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Với tư cách là thành
viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc (nhiệm kỳ 2014 - 2016), Việt Nam đã
có nhiều đóng góp quan trọng, là thành viên tích cực, được Liên Hợp quốc và các
nước ghi nhận, đánh giá cao. Tại khóa họp lần thứ 73 ở trụ sở Liên Hợp quốc
ngày 7/6/2019, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã bầu Việt Nam làm Ủy viên không
thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 với số phiếu gần
tuyệt đối (192/193 phiếu). Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Hội đồng
Bảo an Liên Hợp quốc trong tháng 1 và tháng 4 năm 2021 với nhiều dấu ấn, đóng
góp, nhất là vấn đề bảo đảm quyền con người trong đại dịch COVID-19 được cộng
đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao và thể hiện uy tín, vị thế quốc tế ngày
càng tăng của Việt Nam.
Tin tưởng rằng trong
nhiệm kỳ 2023-2025 sắp tới, với vai trò là thành viên của Hội đồng Nhân quyền
Liên Hợp quốc, với thông điệp “Tôn trọng và hiểu biết; đối thoại và hợp tác;
tất cả các quyền con người - cho tất cả mọi người”, Việt Nam sẽ tiếp tục phát
huy những kết quả đã đạt được về bảo đảm quyền con người, có nhiều đóng góp
tích cực để bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trên thế giới, đặc biệt là các vấn
đề về ứng phó với biến đổi khí hậu, di cư, bảo vệ, thúc đẩy quyền của các nhóm
dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người thiểu số, người di
cư…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét