Trải qua hơn 90 năm xây dựng,
phát triển và trưởng thành, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh luôn là đội dự
bị tin cậy của Đảng, lực lượng đông đảo, đội quân xung kích cách mạng, trường học
XHCN của thanh niên Việt Nam. Lớp lớp thế hệ đoàn viên, thanh niên đã luôn vượt
qua mọi gian khó, ra sức phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân
tộc gắn liền với CNXH; xây dựng đất nước Việt Nam XHCN giàu mạnh, dân chủ, công
bằng, văn minh.
Ngay sau khi thành lập (ngày 26-3-1931), Đoàn TNCS Đông
Dương (tên gọi của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 1931-1936) đã phát triển được
nhiều đoàn viên trong cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ
Tĩnh. Đến tháng 7-1936, Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương tiếp nối truyền thống
của Đoàn TNCS Đông Dương, tích cực vận động thanh niên đấu tranh chống thực
dân, đế quốc, phản động tay sai, đòi tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình. Tháng
9-1939, Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, trong tình hình mới, tổ chức
Đoàn phải chuyển vào hoạt động bí mật và xây dựng tổ chức chặt chẽ với tên mới
là Đoàn Thanh niên Phản đế Đông Dương.
Tháng 5-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị
Trung ương Đảng lần thứ VIII tại Pác Bó (Cao Bằng). Tại đây, Đoàn Thanh niên Cứu
quốc Việt Nam ra đời tiếp nối sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của các tổ
chức thanh niên trước đó. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh,
Đoàn Thanh niên Cứu quốc cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến hành Tổng
khởi nghĩa giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mở ra kỷ nguyên
độc lập, tự do cho dân tộc, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước
Cộng hòa XHCN Việt Nam).
Tiếp đó, tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ I được tổ
chức tại Đại Từ, Thái Nguyên (từ ngày 7 đến ngày 14-2-1950) với chủ đề “Chiến đấu
và xây dựng tương lai”. Phát huy tinh thần của đại hội, hàng vạn nam, nữ thanh
niên hăng hái xung phong tham gia phong trào “Tòng quân giết giặc lập công”.
Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, tháng 5-1954, quân và dân ta đã làm nên một Điện
Biên Phủ chấn động địa cầu.
Ngày 19-10-1955, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Nghị
quyết đổi tên Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam thành Đoàn Thanh niên Lao động
Việt Nam. Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II, diễn ra từ ngày 25-10 đến ngày
4-11-1956, Bác Hồ căn dặn: “Đảng và Chính phủ ta có thể tự hào đã tạo nên một
thế hệ thanh niên dũng cảm như các cháu, và mong các cháu tiếp tục phấn đấu
hăng hái cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nước nhà”.
Từ sau đại hội, tuổi trẻ miền Bắc đã dấy lên phong trào
thi đua lao động sản xuất để khôi phục kinh tế, cải tạo và xây dựng xã hội mới.
Còn ở miền Nam, phong trào đấu tranh chính trị của thanh niên, học sinh, sinh
viên tuy bị đế quốc Mỹ và tay sai đàn áp dã man, song tuổi trẻ miền Nam không hề
nao núng.
Tại Hà Nội, từ ngày 23 đến ngày 25-3-1961, Đại hội Đoàn
toàn quốc lần thứ III đã phát động phong trào “Xung phong tình nguyện vượt mức
kế hoạch 5 năm lần thứ nhất”. Tháng 8-1964, đế quốc Mỹ leo thang gây chiến
tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, tuổi trẻ Thủ đô đã phát động phong
trào “Ba sẵn sàng”, sau đó, phong trào đã phát triển sâu rộng trong cả nước.
Tháng 2-1965, Đại hội Đoàn Thanh niên toàn miền Nam đã phát động phong trào
“Năm xung phong”. Từ phong trào “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” đã xuất hiện
nhiều tập thể và cá nhân với những chiến công xuất sắc.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt
Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra quyết định: Đoàn Thanh niên Lao động
Việt Nam được mang tên Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh.
Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã làm nên
Đại thắng mùa Xuân năm 1975, cả nước thống nhất và đi lên xây dựng CNXH. Trong
chiến thắng vĩ đại ấy, có sự đóng góp to lớn của đoàn viên, thanh niên trên khắp
các mặt trận. Sau ngày thống nhất nước nhà, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV
(năm 1976) đã ra quyết định Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh mang tên Đoàn
TNCS Hồ Chí Minh.
Từ đó đến nay, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều
phong trào thiết thực, hiệu quả, tạo sức lan tỏa rộng khắp, đóng góp vào công
cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiêu biểu như, vào những năm 80 của thế kỷ trước,
các phong trào “Ba xung kích”, “Thanh niên xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”,
“Ba xung kích làm chủ tập thể”, “Hành quân theo bước chân những người anh
hùng”, “Hành quân theo chân Bác”, “Tuổi trẻ xung kích, sáng tạo xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc” đã thu hút hàng triệu đoàn viên, thanh niên tham gia. Vào thời kỳ đất
nước đổi mới, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã triển khai các phong trào lớn như:
“Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Năm xung kích phát triển kinh tế
- xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”...
Trong giai đoạn hiện nay, nhiều phong trào lớn của Đoàn
TNCS Hồ Chí Minh được triển khai mạnh mẽ, thu hút sự tham gia của đông đảo đoàn
viên, thanh niên và tạo được hiệu ứng tốt đẹp trong cộng đồng xã hội như: Phong
trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Thanh niên tham gia xây dựng
văn minh đô thị”, các phong trào học sinh, sinh viên như: “Học sinh 3 rèn luyện”,
“Khi tôi 18”, “Sinh viên 5 tốt”; hay phong trào thi đua “3 trách nhiệm”, “Sáng
tạo trẻ”... Phong trào “Thanh niên tình nguyện” có bước phát triển cả về chất
lượng và số lượng với các hoạt động nổi bật, ý nghĩa như Chiến dịch “Thanh niên
tình nguyện hè”, “Tiếp sức mùa thi”, “Hiến máu nhân đạo”, các hoạt động tình
nguyện mùa Đông, tình nguyện mùa Xuân, các hoạt động tình nguyện của y, bác sĩ
trẻ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét