Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2023

CÀN KHÔN XOAY VẦN, ĐƯA LỊCH ÂM - DƯƠNG ĐẾN GẦN NHAU HƠN TRÊN DÒNG THỜI GIAN DỊCH CHUYỂN. TẾT DƯƠNG LỊCH 2023 VÀ TẾT NGUYÊN ĐÁN QUÝ MÃO RẤT GẦN NHAU. THỜI TIẾT CẢ BA MIỀN TRONG CẢ NƯỚC ĐỀU LẠNH. MÙA XUÂN NĂM NAY ĐẾN SỚM


Đó là một nét mới của mẹ thiên nhiên!

Mới trung tuần tháng Chạp ta mà khắp nơi đã ngập sắc đào, mai. Năm 2022, cả nước nỗ lực triển khai các giải pháp phục hồi kinh tế-xã hội sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Nền kinh tế đã tạo bước đột phá quan trọng, tăng trưởng đạt 8,02%, mức tăng cao nhất trong hơn 10 năm qua.

Đó là cái mới của đời sống xã hội!

Đó là cơ sở quan trọng để tiếp tục tạo những bước tiến mới trong năm 2023 và những năm tiếp theo!

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hàng loạt công trình, dự án trọng điểm đồng loạt khởi công, tái khởi động, tăng tốc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng các cấp và các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp thực hiện vấn đề này với quyết tâm chính trị rất cao, cam kết sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Hệ thống chính trị của đất nước từ Trung ương đến các địa phương trong quá trình chỉnh đốn, đang tạo ra sức mạnh mới, quyết tâm mới, được nhân dân ủng hộ, đồng tình.

Năm 2023, Đảng bộ các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện, cụ thể hóa nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển 6 vùng trên cả nước. Tư duy về liên kết vùng và liên vùng là bước đột phá mới của Đảng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, bảo đảm mục tiêu phát triển ổn định, bền vững.

Mới là xu thế phát triển, thể hiện mục tiêu, giải pháp và khát vọng vươn lên của quốc gia, dân tộc. Để có bức tranh tổng thể của đất nước tươi mới, tươi đẹp, phải bắt đầu từ những đường nét, gam màu, mảng khối... của mỗi thành tố xã hội.

Nhưng, trong quy luật vận động và phát triển, nếu chúng ta cứ mải mê hướng đến cái mới, đi tìm những giá trị mới mà sao nhãng, bỏ quên những giá trị cũ thì phát triển khó bền vững.

Đảng ta yêu cầu, trong hành trình phát triển phải đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị. Kinh tế là thứ đong đếm được. Nhưng văn hóa, muốn cảm thấu được, phải có độ lùi của thời gian.

Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ VII vừa diễn ra tại Hà Nội, nhiều đại biểu ở các vùng quê sau khi đi tham quan những tuyến phố ở Thủ đô, đã bày tỏ nỗi băn khoăn, day dứt: Tại sao rất nhiều công trình kiến trúc hiện đại mang tính biểu tượng của thời đại, lại mang những cái tên bằng tiếng Tây lạ hoắc, không hiểu nó là cái gì?

Chả riêng Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, mà khắp nơi trên cả nước, hàng loạt dự án, công trình kiến trúc hiện đại đều mang tên, gắn biển tên bằng ngôn ngữ nước ngoài. Hệ thống biển hiệu trên các tuyến phố cũng vậy. “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Ngôn ngữ là linh hồn của văn hóa. Tiếng Việt ta thiếu gì lời hay ý đẹp, sao lại phải vay mượn? Tại sao không lấy tên của các sự kiện trong lịch sử dân tộc đặt cho những công trình ấy để con cháu tự hào, tự tôn về dân tộc, tiên tổ, ông cha...

Đó chỉ là một vài ví dụ của thái độ văn hóa, của cách làm văn hóa. Cái mới chỉ thực sự bền vững khi nó được dựng trên một nền tảng vững chắc. Nền tảng ấy chính là những giá trị bản sắc của dân tộc. Mà bản sắc thì được tích tụ, chưng cất từ những giá trị cũ. Rất cũ!

Thiếu tiền bạc, vật chất thì đi vay. Văn hóa ta rất giàu bản sắc, sao lại vay mượn kiểu ấy?

Vay kinh tế, sẽ trả! Vay mượn văn hóa, trả kiểu gì? Ai trả?

“Diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa, nó đến từ những thứ tưởng như vô hại ấy, nhưng chúng ta có nhận ra được không? Và nhận ra, thì khắc phục, định hướng thế nào?

Những vấn đề ấy, nghị quyết của Đảng đã nêu rõ. Vấn đề là ở từng nơi, từng lĩnh vực, từng hoàn cảnh, các cấp, các ngành, những người có trách nhiệm... thực hiện như thế nào mà thôi!

Ngày đầu năm mới, quan tâm đến những vấn đề ấy cũng là cách tư duy mới về những giá trị cũ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét