Việt Nam thực hiện nhất
quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát
triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; bảo đảm cao nhất lợi ích
quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp
quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi; kết hợp sức mạnh
dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện,
sâu rộng.
Tuy nhiên, nhận thấy rõ vị
trí, tầm quan trọng và những thành tựu to lớn của đường lối đối ngoại và hội
nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, thời gian gần đây, trước những diễn biến
phức tạp của tình hình khu vực và thế giới, các thế lực thù địch gia tăng mũi
nhọn tấn công xuyên tạc, chống phá đường lối đối ngoại của Việt Nam. Nổi lên
gần đây là các bài viết như: “Quan hệ Việt – Mỹ, điều gì cản trở nâng cấp đối tác chiến lược toàn
diện”, “Nhìn lại tình hình Biển Đông năm 2022”,… với các nội dung nhằm xuyên
tạc đường lối đối ngoại và chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế của Việt Nam;
kêu gọi Việt Nam cần liên minh với các nước trong khu vực và Hoa Kỳ để bảo vệ
chủ quyền biển, đảo; kích động, gây chia rẻ mối quan hệ giữa Việt Nam – Trung
Quốc và Việt Nam – Hoa Kỳ.
Đứng trước các luận điệu đó, Đảng, Nhà nước
và Nhân dân Việt Nam luôn nhất quán chủ trương đã được thể hiện trong các
văn kiện qua các kỳ Đại hội Đảng: “Mở rộng quan hệ đối ngoại với tất cả các
nước trên thế giới không phân biệt chế độ chính trị - xã hội”. Trong hơn 36 năm
đổi mới, nhất là trong thời gian vừa qua, chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa
phương hóa đã giúp Việt Nam tạo dựng một mạng lưới quan hệ rộng khắp, tranh thủ
được nhiều yếu tố thuận lợi cho công cuộc phát triển đất nước, bảo vệ chủ quyền
quốc gia, nâng cao vị thế quốc tế. Thực hiện chính sách đối ngoại đa dạng hóa,
đa phương hóa, đan xen lợi ích với các đối tác chính là nhằm giúp Việt Nam tránh
bị “ngả” về một bên, tránh bị lệ thuộc hoặc bị “kẹt” trong những toan tính
chiến lược của các nước khác, bảo đảm sự vững vàng về tâm thế độc lập, tự chủ
thông qua sự gia tăng tùy thuộc lẫn nhau giữa nước ta với các nước trên thế
giới; Việt Nam không đi theo hoặc ủng hộ phiến diện bất kỳ một bên nào, các vấn
đề đều được xem xét trên nguyên tắc hòa bình, lợi ích quốc gia, dân tộc, tôn
trọng luật pháp quốc tế.
Trong thực
tiễn có rất nhiều minh chứng để phản bác lại các luận điệu xuyên tạc của thế
lực thù địch, nhưng sống động và rõ ràng nhất đó chính là việc Việt Nam đã tổ chức thành công những sự kiện
ngoại giao lớn của thế giới và khu vực trong nhiều năm qua, góp phần quan trọng
nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; nắm vững và xử lý tốt
mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; tranh thủ các nguồn lực
từ bên ngoài để củng cố, bồi đắp, gia tăng sức mạnh nội lực, tiềm lực đất nước…
Điển hình như: Tuần lễ cấp cao APEC-2017 có sự hiện diện của lãnh đạo các nền kinh tế thành viên, trong đó
có lãnh đạo các nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới, cùng một số lượng kỷ lục
doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham gia (hơn 4.000 lượt doanh nghiệp); Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần 2 là sự kiện quốc tế quan trọng, chưa có tiền lệ được tổ chức tại Việt
Nam, thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí, dư luận khu vực và thế giới, có
số lượng phóng viên nước ngoài vào Việt Nam tác nghiệp đông nhất. Năm 2020 đánh
dấu mốc lịch sử với đối ngoại, nhất là ngoại giao đa phương khi Việt Nam đồng
thời là Chủ tịch ASEAN
và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc;… Gần đây nhất phải
kể đến sự kiện ngoại giao là dấu mốc quan trọng trong quan hệ tốt đẹp của Việt
Nam – Trung Quốc, đó là chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung
Quốc từ ngày 30/10/2022 đến 01/11/2022 theo lời mời của Tổng Bí thư Ban
Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân
Trung Hoa Tập Cận Bình.
Các thực tế sinh động diễn ra trong hơn 36 năm đổi mới, nhất là những
năm gần đây, đã minh chứng cho tính đúng đắn trong đường lối đối ngoại của của
Đảng và Nhà nước Việt Nam. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193
quốc gia thành viên Liên hợp quốc, có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 04
nước, đối tác chiến lược với 17 nước và đối tác toàn diện với 13 nước. Trên
bình diện đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn
70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng. Thực tế đó là minh chứng không thể phủ
nhận về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng
và Nhà nước Việt Nam trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược phức
tạp và nhiều xu hướng tập hợp lực lượng đa chiều hiện nay./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét