Hiện nay, các thế lực thù
địch đang ra sức tuyên truyền những quan điểm sai trái, xuyên tạc, với mưu đồ
xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà trọng tâm là xóa bỏ nền
tảng tư tưởng của Đảng. Vì vậy, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù
địch, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng
hàng đầu, trọng yếu, cấp bách của công tác bảo vệ an ninh tư tưởng; đồng thời
là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và các cán bộ,
đảng viên, nhất là trong thời điểm trước thềm Tết Nguyên đán Quý Mão năm
2023 và kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2023).
Trong thời gian qua, việc
đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của
Đảng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giữ vững trận địa tư
tưởng của Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi các âm mưu chống phá của các thế lực thù
địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, củng cố và tăng
cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo
của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, sự hướng dẫn của các cơ quan
chức năng, sự quản lý, điều hành của các cấp ủy đảng, người đứng đầu các cơ
quan, địa phương, đơn vị..., hầu hết cán bộ, đảng
viên, lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân đều có nhận thức đúng đắn về
chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân
tộc và chủ nghĩa xã hội, tin tưởng vào Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của
Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Trận địa tư tưởng chính trị được
giữ vững, khẳng định địa vị chủ đạo của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí
Minh trong đời sống chính trị - tinh thần ở Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả
đạt được, vẫn còn một số hạn chế trong công tác đấu tranh chống các quan điểm
sai trái, thù địch, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là
thiếu đa dạng hóa các hình thức thông tin; chất lượng thông tin chưa hoàn toàn
đáp ứng nhu cầu của nhân dân; tính tích cực, chủ động đấu tranh phản bác các
thông tin, quan điểm sai trái, thù địch còn hạn chế; chưa phát huy được hết vai
trò giám sát, phản biện của các cơ quan báo chí trong đấu tranh chống tiêu cực,
tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội… Các cơ quan chức năng có lúc còn
thiếu chủ động trong việc định hướng, cung cấp thông tin; thông tin tích cực,
chính thống có lúc, có nơi chưa chiếm được thế thượng phong so với các thông
tin sai trái, bịa đặt, vu cáo, phản động trên mạng xã hội, internet. Việc khai
thác, phát triển những tiện ích, lợi thế của thông tin điện tử, mạng xã hội còn
hạn chế…
Công tác thông tin đối
ngoại, nhất là tuyên truyền, quảng bá nhằm nâng cao uy tín, vị thế và hình ảnh
của Việt Nam ổn định và phát triển ở khu vực và trên trường quốc tế có lúc, có
nơi còn hạn chế, nên ở nhiều khu vực, nhân dân thế giới chưa hiểu rõ về tình
hình Việt Nam, bị tác động tiêu cực bởi những thông tin, luận điệu sai trái,
xuyên tạc của các thế lực cơ hội, thù địch.
Dự báo trong thời gian
tới, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống quan điểm sai
trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Đặc
biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng
với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sự phát triển bùng nổ của
internet, mạng xã hội toàn cầu và những vấn đề nảy sinh từ mặt trái của nền
kinh tế thị trường, các thế lực thù địch, phản động ngày càng có những chiêu
thức, thủ đoạn mới tinh vi hơn để chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới
của đất nước. Ví dụ, trên lĩnh vực kinh tế, âm mưu thông qua hoạt động hợp tác,
đầu tư làm cho nền kinh tế phát triển chệch hướng xã hội chủ nghĩa, thiết lập
hệ thống và cơ chế kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa tại Việt Nam; từ đó tạo
ra nền tảng vật chất, xã hội thuận lợi, hình thành nền “chính trị dân chủ” theo
kiểu phương Tây.
Trên lĩnh vực đối ngoại,
thông qua hoạt động “ngoại giao thân thiện”, tăng cường giao lưu, trao đổi, đối
thoại với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, nhất là về dân chủ, dân tộc, tôn giáo,
từ đó lợi dụng quảng bá hình ảnh, giá trị tư bản chủ nghĩa; chủ động tiếp cận,
móc nối, hỗ trợ, mua chuộc, lôi kéo các đối tượng, nhất là những phần tử có tư
tưởng bất mãn, thù địch, cơ hội, thoái hóa, biến chất, hữu khuynh, cực đoan,
tạo dựng lực lượng “nòng cốt” cho “chuyển hóa” và “tự chuyển hóa” tư tưởng ngay
từ bên trong. Trong hợp tác, giao lưu về giáo dục, đào tạo, các thế lực thù
địch truyền bá các quan điểm, giá trị dân chủ tư sản, làm cho thế hệ trẻ có tư
tưởng sùng ngoại, coi thường những giá trị văn hóa dân tộc, chạy theo lối sống
thực dụng, chỉ coi trọng giá trị vật chất, bàng quan về chính trị... tạo mầm
mống thúc đẩy dân chủ, nhân quyền tư sản, tiến tới xóa bỏ nền dân chủ và chế độ
xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ an ninh tư
tưởng trong giai đoạn hiện nay, các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và
các cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ
nhất, nâng cao
nhận thức của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về công tác bảo vệ an ninh tư
tưởng.
Thứ
hai, tăng cường
sự lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò quản lý, điều hành của chính quyền, vai
trò tham mưu của cơ quan các cấp đối với công tác đấu tranh, phản bác những
luận điệu sai trái, thù địch.
Thứ
ba, nâng cao
chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng, tăng cường “sức đề kháng” cho cán bộ,
đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân, đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng
kết thực tiễn.
Thứ
tư, phối hợp
chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng, đa dạng hóa các hình thức đấu tranh phản
bác những quan điểm sai trái, thù địch.
Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các hình thức đấu
tranh, kết hợp tuyên truyền, giáo dục với các biện pháp tổ chức, cán bộ, kiểm
tra, giám sát; vừa “xây”, vừa “chống”, trong đó lấy “xây” làm chính. Xây dựng
các tổ chức cơ sở đảng vững mạnh; kiện toàn tổ chức tuyên giáo, xây dựng đội
ngũ cán bộ sẵn sàng “phản ứng nhanh” với những thông tin sai trái, thù địch
trên không gian mạng. Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong việc chủ động,
kịp thời thông tin làm rõ sự thật, định hướng tư tưởng, dư luận cho nhân dân,
nhất là trước những sự kiện nhạy cảm, phức tạp, tạo sự thống nhất cao đối với
các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tăng cường công tác lãnh đạo
các hoạt động báo chí, xuất bản, nhất là trong việc định hướng chính trị - tư
tưởng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Chú trọng làm tốt công tác nhân sự tại các cơ quan văn hóa, báo chí ở Trung
ương và địa phương để củng cố nội bộ thật trong sạch, vững mạnh. Xây dựng các
chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng đăng tải các tin, bài có chất lượng,
có chiều sâu đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên các ấn phẩm,
phương tiện truyền thông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét