Thứ Năm, 8 tháng 9, 2022

NHẬN DIỆN CHIÊU TRÒ XUYÊN TẠC CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH VỚI LUẬN ĐIỆU “VIỆT NAM KHÔNG CÓ TỰ DO INTERNET”


 

          Bằng lá bài “dân chủ, nhân quyền”, các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc về tự do Internet của Việt Nam, quy kết Việt Nam không có tự do báo chí, tự do ngôn luận.

          Trong thời gian vừa qua không ít các tổ chức, đối tượng cực đoan trên thế giới tích cực vu khống Việt Nam không có tự do internet, không có tự do báo chí, không có tự do ngôn luận.

          Vào ngày 5/3/2021, tổ chức Freedom House đã đăng tải bảng chấm điểm chỉ số tự do của các quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam được chấm 19/100 điểm. Trước đó, không ít lần tổ chức Freedom House đăng tải những báo cáo sai lệch về tình hình tự do nhân quyền tại Việt Nam. Freedom House xuyên tạc Việt Nam không có tự do Internet, người dân Việt Nam gần như bị cấm truy cập vào mạng xã hội, không có quyền bầu cử, không có tự do tôn giáo…

          Ngày 3/5/2022, tổ chức RSF công bố cái gọi là “Bảng xếp hạng thường niên về tự do báo chí” xếp hạng tự do báo chí toàn cầu, trong đó có các thông tin sai sự thật về tình hình tự do báo chí của Việt Nam. Đây thực chất là trò bổn cũ soạn lại nhằm hạ thấp uy tín nhân quyền Việt Nam trên trường quốc tế.

          Chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2022 do RSF công bố xếp Việt Nam ở vị trí 174 trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các chỉ số cụ thể của Việt Nam được nêu ra gồm chỉ số chính trị ở hạng 173, chỉ số kinh tế xếp hạng 176, chỉ số lập pháp 172, chỉ số xã hội 170 và chỉ số an ninh 170. Trong bảng xếp hạng này, RSF đã vu cáo rằng: “các phóng viên và blogger độc lập thường bị bỏ tù”. Tổ chức này còn tỏ vẻ bênh vực, cổ xúy cho một số hội nhóm, cá nhân lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để chống phá Việt Nam.

          Hình thành từ năm 1985, RSF tên tiếng Pháp đầy đủ là “Reporters sans frontières”, có trụ sở quốc tế tại Paris. Đây là một tổ chức phi chính phủ hoạt động toàn cầu, lấy Điều 19, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền của Liên hiệp quốc làm cơ sở để hành động. Nhưng trái ngược với chủ trương của Liên hiệp quốc, tổ chức này thường xuyên có những luận điệu sai trái, xuyên tạc tình hình tự do báo chí, tự do ngôn luận của một số nước, trong đó có Việt Nam. Thực chất, RSF tồn tại và hoạt động dựa vào một phần nguồn hỗ trợ kinh phí của một số chính giới phương Tây. Chính vì vậy, trong các bảng xếp hạng tự do báo chí hằng năm, RSF thường tuân theo sự sắp đặt một cách có chủ ý của các chính phủ quốc gia tài trợ cho tổ chức này hoạt động. Việc RSF xếp loại tự do báo chí ở Việt Nam thường dựa vào những thông tin do số tổ chức, cá nhân phản động, thù địch, cơ hội chính trị, có các hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam cung cấp, do đó không khách quan, sai thực tế về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam.

          Cần khẳng định, quyền tự do ngôn luận nói chung và tự do báo chí nói riêng là những quyền được Hiến pháp, pháp luật Việt Nam tôn trọng và bảo vệ ngay từ những ngày đầu lập nước. Cùng với sự phát triển của đất nước, của báo chí cách mạng và các nền tảng thông tin truyền thông, các quyền này ngày càng được quy định và điều chỉnh cụ thể theo khuôn khổ của pháp luật. Tại Điều 10  Hiến pháp năm 1946 của nước ta đã khẳng định: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận, Tự do xuất bản, Tự do tổ chức hội họp, Tự do tín ngưỡng, Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Theo quá trình phát triển, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam đảm bảo và điều này không hề thay đổi cho đến bản Hiến pháp 2013 và sự ra đời của Luật Báo chí năm 2016.

          Tính đến năm 2020, cả nước có gần 800 cơ quan báo chí, hơn 100 báo có hoạt động báo điện tử; hơn 600 tạp chí; 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập với đầy đủ tất cả các thể loại: Báo giấy, báo tiếng, báo hình, rồi cả báo điện tử. Rõ ràng, sự lớn mạnh này chẳng thể xuất hiện dưới một thể chế mà như các luận điệu xuyên tạc mô tả, là sự phát triển của báo chí bị bóp nghẹt.

          Luật Báo chí hiện hành của Việt Nam cũng quy định những điều báo chí không được làm, như: Báo chí không được kích động Nhân dân chống Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; không được kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, kích động dâm ô, đồi trụy, tội ác; đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của công dân… Việc quy định những điều cấm như trên là để nhằm bảo vệ lợi ích của quốc gia, của các tổ chức, cá nhân và của toàn dân.

          Thế nhưng bất chấp những bước tiến vượt bậc trong thực hiện quyền con người, trong đó có tự do ngôn luận, tự do báo chí được cả thế giới công nhận, thì các thế lực thù địch, chống phá, cơ hội chính trị, phản động vẫn cố tình xuyên tạc, bóp méo tình hình thực tế một cách vô căn cứ, một mực cho rằng Việt Nam “không có tự do báo chí”, “không có tự do Internet”… Thực tế thời gian qua, đã có hàng loạt vụ việc mà sự lên tiếng, phản biện nhiều chiều, mang tính xây dựng của báo chí đã góp phần quan trọng, mang lại hiệu quả xã hội. Trên tinh thần lắng nghe, nhiều cơ quan chức năng đã có những điều chỉnh kịp thời phù hợp với thực tiễn. Có thể nói, báo chí Việt Nam đã đóng góp tiếng nói mạnh mẽ trong phản ánh thực tế phát triển của đất nước với những góc nhìn phản biện, đa chiều, phản ánh cả hạn chế, thiếu sót, không tô hồng nhằm góp một tiếng nói xây dựng.

          Theo thống kê mới nhất của “We Are Social” thì Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới. Đó là những minh chứng cho việc việc Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ quyền được tự do thông tin, tự do Internet của mỗi người dân.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét