Thứ Hai, 19 tháng 9, 2022

GÓC NHÌN ĐỐI VỚI LUẬT SƯ HOÀNG DUY HÙNG VÀ TƯ TƯỞNG ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC


Từng là thành viên cốt cán của tổ chức phản động "đảng Đại Việt", năm 1992, luật sư (LS) Hoàng Duy Hùng về Việt Nam (VN) hoạt động, bị bắt giam 16 tháng rồi bị trục xuất về Mỹ. Năm 1998, luật sư này thành lập đảng chính trị riêng tại Mỹ để chống cộng; năm 2001, xâm nhập về VN để đặt bom khủng bố tại TPHCM và Cần Thơ...Tuy nhiên, sau cả quá trình dài được tiếp cận với nhiều thông tin chân thật, thuyết phục về đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, được gặp gỡ, đối thoại với những người cộng sản, Hoàng Duy Hùng đã tuyên bố từ bỏ con đường chống cộng để quay về với Tổ quốc. Đúng dịp 30-4-2020, ông gây chấn động trong giới chống cộng cực đoan ở hải ngoại khi treo cờ đỏ sao vàng ngay trong văn phòng luật sư của mình ở TP.Houston - bang Texas, tuyên bố "Đây là Quốc kỳ của Tổ quốc tôi"!

Vẫn còn rất sớm để ca ngợi Hoàng Duy Hùng nhưng chuyến đi về Việt Nam phần nào đã tạo được hiệu ứng tích cực trong cộng đồng, đặc biệt là cái nhìn khác về đất nước của những người cộng sản. Dù sao thì Hoàng Duy Hùng cũng là người có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ và cả trên không gian mạng. Điều này cũng hoàn toàn trùng khớp với nguyện vọng hòa hợp dân tộc, gắn kết người Việt Nam ở trong nước với “những khúc ruột vạn dặm” ở nước ngoài.

Hoàng Duy Hùng từng là người chống cộng cực đoan ở hải ngoại, cha mẹ ông ấy theo Công giáo, năm 1954 di cư từ Nghệ An vào miền nam, và cha ông ấy đi lính, làm sĩ quan "quân lực Việt Nam Cộng hòa". Ngay từ bé, người lớn đã dạy Hoàng Duy Hùng về cái gọi là "cộng sản vô thần, vô tổ quốc, vô gia đình" và ông ta tin, đó là điều bình thường. Thế rồi đến ngày 30 tháng 4 năm 2020, Hoàng Duy Hùng tuyên bố chính thức từ bỏ con đường chống cộng để "quay về với Tổ quốc". Hoàng Duy Hùng khẳng định rằng ông đã suy nghĩ kỹ về quyết định của mình, "bởi đất nước đã thay đổi, quan hệ Việt – Mỹ đã thay đổi". Hoàng Duy Hùng ủng đường lối, chính sách của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đồng thời ủng hộ sự ổn định chính trị được thiết lập bởi chế độ đơn đảng. Vậy chẳng có lý do gì để chúng ta phản đối hay phê phán!

Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng kính yêu của chúng ta là người thầy giáo vĩ đại, người thầy, lãnh tụ của cách mạng Việt Nam. Nhằm quy tụ được quần chúng nhân dân, bất kể tôn giáo, đảng phái hay thành phần dân tộc, mục tiêu là lãnh đạo toàn nhân dân chấm dứt đêm trường nô lệ hơn 80 năm mà người Pháp đã tròng vào cổ đất nước ta. Cụ Hồ nêu cao tinh thần dân tộc, đoàn kết để cùng chung một mục tiêu là dân tộc độc lập, dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc! Những người vốn là đại thần triều Nguyễn, những người theo tổ chức Việt Quốc, Việt Quốc…phản cách mạng nhưng Bác vẫn trọng dụng, trao cho họ những chức vụ cao trong bộ máy chính phủ. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, rất nhiều quan lại, trí thức của triều đình phong kiến đi theo cách mạng, như các vị Bùi Bằng Đoàn (Thượng thư Bộ Hình triều Nguyễn); Phan Kế Toại (Khâm sai đại thần Bắc Bộ của Chính phủ Trần Trọng Kim); Phạm Khắc Hòe (Đổng lý Ngự tiền đức vua Bảo Đại); Tham tri Đặng Văn Hướng; Vi Văn Định (cựu Tổng đốc Thái Bình); Hồ Đắc Điềm (cựu Tổng đốc Hà Đông); cụ Ưng Úy, thành viên hoàng tộc Nhà Nguyễn, thuộc hàng cha chú vua Khải Định; nhà Hán học nổi tiếng Bùi Kỷ; Phan Anh (Tổng trưởng Thanh niên Chính phủ Trần Trọng Kim)... Khi Ủy ban Dân tộc giải phóng tự cải tổ thành Chính phủ Lâm thời, ngoài những thành viên của Việt Minh, còn có những bộ trưởng là người không phải là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, như Bộ trưởng Thanh niên Dương Đức Hiền (Đảng Dân chủ), Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà (một người công giáo không đảng phái), Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính Đào Trọng Kim (không đảng phái), Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội Nguyễn Văn Tố (không đảng phái)...

Trong Chính phủ Liên hiệp kháng chiến được lập ra ngày 2-3-1946, những đảng viên cao cấp của Đảng Cộng sản Đông Dương đã tự rút lui để nhường lại các ghế bộ trưởng cho các thành viên các chính đảng khác, cho các nhân sĩ, trí thức nổi tiếng vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Việt Minh chỉ nắm 4 ghế là Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Giáo dục Đặng Thai Mai, Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến và Chủ tịch Kháng chiến Ủy viên hội Võ Nguyên Giáp. Còn lại tất cả các chức vụ khác đều do các nhân sĩ trí thức hoặc của các chính đảng khác nắm, như Phó Chủ tịch Chính phủ Nguyễn Hải Thần (Việt Cách), cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nhân sĩ không đảng phái); Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Tường Tam (nhà văn Nhất Linh, Việt Quốc)... Quốc hội cũng thành lập Cố vấn đoàn do Cố vấn tối cao Vĩnh Thụy (tức cựu hoàng Bảo Đại) đảm nhiệm và Giám mục Lê Hữu Từ là thành viên. Những tài năng người Việt Nam ở hải ngoại cũng được Bác Hồ mời về nước để phục vụ cách mạng, giáo sư Trần Đại Nghĩa là ví dụ điển hình.

Là người từng có những quan điểm và thái độ chưa đúng về Việt Nam, luật sư Hoàng Duy Hùng khẳng định: “Số người Việt Nam “ồn ào” ở hải ngoại không phải đại diện cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, không đại diện cho tư duy của cộng đồng về đất nước. Những người “thầm lặng” hướng về quê hương đã thấy được những thành công ở quê nhà và họ thích thú hiểu rằng, thể chế ở Việt Nam đã giúp ích cho người dân, không phải như những gì một số tổ chức truyền thông hải ngoại rêu rao. Các chuyến bay cứu trợ của Chính phủ Việt Nam đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước trong đại dịch Covid-19 cho thấy tinh thần nhân đạo, vì dân của Nhà nước Việt Nam”.

Một dân tộc được xem hùng mạnh khi và chỉ khi dân tộc đó quy tụ được tuyệt đại đa số nhân dân để phục vụ cho mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước. Hiện nay, những người từng theo chế độ ngụy năm xưa ở hải ngoại không còn nhiều. Chúng ta cần làm tốt hơn nữa chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng ta chủ trương “người Việt Nam ở hải ngoại là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam”. Vậy nên, phản đối Hoàng Duy Hùng quay đầu là bờ, hướng về tổ quốc, ủng hộ Đảng Cộng sản Việt Nam là hành vi của những người cực đoan, máy móc và bất trí! Ngày xưa trong chiến tranh chúng ta đã làm tốt công tác địch vận, từ đó có nhiều người phía bên kia đã trở về với tổ quốc, ủng hộ cách mạng. Đất nước đã hòa bình, thống nhất hơn 47 năm rồi, tại sao chúng ta vẫn mang lối tư duy cũ kỹ, cực đoan. Ở hải ngoại cần có nhiều Hoàng Duy Hùng hơn nữa thì những người gốc Việt Nam mới hiểu rõ hơn và ủng hộ quê hương, đất nước. Điều đó tạo ra khối đoàn kết vững chắc, có sức mạnh vô địch để đưa Việt Nam vươn lên, phát triển hùng cường. Nên bỏ lối tư duy cực đoan, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét