Thứ Ba, 13 tháng 9, 2022

AI CẦN “XEM LẠI” ?

 

Tuần qua, khắp các địa phương trên dải đất hình chữ S thân yêu của chúng ta đều hân hoan kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc khánh. Toàn dân vui mừng đón Tết Độc lập. Rất nhiều câu chuyện về nỗi tủi nhục khi nước nhà chưa độc lập của người già đã được kể lại cho con cháu… Ấy vậy mà trên mạng xã hội lại xuất hiện ý kiến của một số cá nhân “khuyến nghị” lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta “xem lại” đường lối “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”? Họ tự đặt câu hỏi “Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội đến bao giờ?”.

Có lẽ họ không biết hoặc cố tình không biết đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là một trong những nguyên nhân của mọi thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. 

Ngay từ khi thực dân Pháp nổ tiếng súng đầu tiên xâm lược nước ta (năm 1858) đến trước năm 1930, đã có hàng trăm phong trào, cuộc khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu, nhà yêu nước nhưng đều bị thực dân Pháp đàn áp tàn bạo và đều thất bại. Nguyên nhân chính là do không có đường lối cách mạng đúng theo một hệ tư tưởng tiên tiến, khoa học và cách mạng, phù hợp với tiến trình lịch sử. Chỉ đến khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm thấy con đường duy nhất đúng để cứu nước, giải phóng dân tộc, là con đường giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp; giai cấp vô sản phải nắm lấy ngọn cờ giải phóng dân tộc, độc lập dân tộc gắn liền với với chủ nghĩa xã hội thì cách mạng nước ta mới thành công.

Giành được độc lập dân tộc mà đưa đất nước theo con đường tư bản chủ nghĩa là đi ngược lại ước mơ, nguyện vọng, ý chí và phủ nhận sự hy sinh xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam. 

 Giành được độc lập dân tộc, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa đối với nước ta là sự lựa chọn hợp quy luật phát triển của nhân loại, đồng thời cũng phù hợp với đặc điểm của dân tộc ta, nguyện vọng, ý chí của nhân dân ta. Thực tiễn một số nước châu Phi sau khi giành được độc lập những năm 60 của thế kỷ 20 đã không phát huy thành quả giành được, lựa chọn con đường phát triển không phù hợp cho đến nay vẫn chìm đắm trong đói nghèo, lạc hậu, dịch bệnh và xung đột sắc tộc triền miên, đất nước rơi vào các cuộc khủng hoảng…

 Thực tiễn thời gian qua đã chứng minh, chủ nghĩa tư bản hiện nay đang khủng hoảng nhiều mặt, cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều nước tư bản phát triển trong năm 2022 này chậm lại, lạm phát tăng cao. Kinh tế suy thoái đã làm phơi bày sự thật của những bất công xã hội trong các xã hội tư bản chủ nghĩa: đời sống của đa số dân cư lao động bị giảm sút nghiêm trọng, thất nghiệp gia tăng; khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn, làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, xung đột giữa các sắc tộc…

Trong khi đó, tại Việt Nam, nhờ kiên trì với quan điểm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nên kinh tế đã phục hồi và phát triển.    Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 8 tháng năm 2022 tăng 9,4%. Trong 8 tháng năm nay cả nước có 149,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động, tăng 24,2 %; bình quân 01 tháng có 18,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động.

Vì lẽ đó những người đã đưa ra những khuyến nghị trên mạng xã hội rằng, Đảng cộng sản Việt Nam cần “xem lại” đường lối, mục tiêu phát triển của mình phải xem lại phát ngôn của chính mình, nếu không sẽ bị lịch sử phán xét, nhân dân nên án.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét