Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2022

KINH TẾ VIỆT NAM SỰ BỨT PHÁ NGOẠN MỤC


Trong suốt ba năm từ 2019 đến nay, toàn bộ nền kinh tế thế giới nói chung cũng như Việt Nam nói riêng đã trải qua vô số thăng trầm do hậu quả của đại dịch, bởi số ca nhiễm tăng cao, các hoạt động kinh tế, xã hội trong nước bị ngừng trệ, biên giới bị đóng cửa và tình trạng suy thoái toàn cầu diễn ra trên diện rộng. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó vẫn có những diễn biến mang tín hiệu tốt như kinh tế vẫn giữ được đà tăng trưởng hằng năm, thể hiện khả năng phục hồi một cách đáng kinh ngạc.

Ngoài ra, Việt Nam cũng ghi nhận những chỉ số khả quan và lành mạnh: nền kinh tế đạt mức tăng trưởng hơn 2,6% năm 2021 khi nhiều quốc gia trong khu vực rơi vào tình trạng suy thoái, đồng thời nền kinh tế thế giới cũng đang có mức phục hồi khá chậm sau cuộc khủng hoảng COVID. Các chuyên gia phân tích cũng dự kiến GDP tăng khoảng 7,5% trong năm 2022, sẽ giúp Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất của Châu Á.

Việt Nam đang nổi lên là một địa điểm lý tưởng, một phương án thay thế có chất lượng cho các nhà sản xuất quốc tế. Với lợi thế về chi phí thấp hơn so với các nước khác trong khu vực, nhiều công ty đã chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam và sự chuyển dịch này đang thúc đẩy luồng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào thị trường tài chính Việt Nam. Điều này làm gia tăng nhu cầu về KCN, cùng việc mở rộng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng hỗ trợ đi kèm. Sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất và chế tạo đã mở ra các nhu cầu về kho bãi và hậu cần chất lượng cao để đảm bảo cho các nhà sản xuất, phân phối và xuất khẩu có thể kết nối chặt chẽ với các đầu mối giao thông, thương mại.

Chính phủ xác định các giải pháp chính như tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất của doanh nghiệp; giải ngân nhanh và hết vốn đầu tư công, chú trọng dự án trọng điểm quan trọng, nâng cao năng lực cạnh tranh; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tranh thủ tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA, kích cầu tiêu dùng  thị trường nội địa; đồng thời tranh thủ sự dịch chuyển đầu tư. Để phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch, việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô phải đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, phải giúp doanh nghiệp giữ được chân người lao động và đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Thêm vào đó, cần phát huy thị trường nội địa, thúc đẩy cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Về dài hạn, cần tiếp tục tái cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước, tăng đầu tư cho doanh nghiệp trọng điểm và tập trung phát triển kinh tế tư nhân.

Hiện nay, đại dịch COVID-19 vẫn đang còn diễn biến mới. Trong bối cảnh đó, sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ và sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị với phương châm hành động “dựa vào dân, phát huy sức mạnh Nhân dân” đã nhân nên niềm tin, tạo ra sức mạnh đồng bộ, thích ứng và làm giảm dần tác hại của dịch bệnh, đưa “con thuyền” phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam dần trở lại quỹ đạo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét