Thứ Hai, 19 tháng 9, 2022

Cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam

 

Trong chiến lược chống phá Việt Nam hiện nay, các thế lực thù địch trong và ngoài nước tập trung vào chống phá Đảng, chế độ và hệ tư tưởng. Trong đó, tự do ngôn luận, báo chí đang là một mục tiêu xuyên tạc, bôi nhọ của chúng. Gần đây, ngày 08/9/2022, trên trang facebook Việt Tân, đối tượng Lê Thanh Tâm tán phát bài “Tự do cho Việt Nam”, ngày 09/9/2022, trên trang blog Tiếng Dân, đối tượng Đỗ Hùng tán phát bài “Tự do ngôn luận thật là đáng ghét”, ngày 10/9/2022, trên trang blog Việt Nam thời báo, đối tượng Đông Đô tán phát bài “Thêm một nhà bất đồng chính kiến bị bắt tại Hà Nội”, nội dung vu cáo chính quyền Việt Nam “đàn áp” tự do ngôn luận, tự do báo chí, “bắt oan” những người bất đồng chính kiến; kêu gọi các tổ chức, cộng đồng quốc tế can thiệp, đòi trả tự do cho các đối tượng bị bắt; yêu cầu xóa bỏ Điều 117, 331 trong bộ luật hình sự 2015.

Thực tế cho thấy, ở Việt Nam chẳng có sự “tước đoạt” nào cả, mà chỉ có “vì nhân dân”; quyền tự do phát biểu, tự do thông tin ở nước ta được phát huy dân chủ, rộng rãi. Theo đó, Nhà nước Việt Nam đã ban hành Luật Báo chí, Luật An ninh mạng, Luật Tiếp cận thông tin và các luật, bộ luật có liên quan, quy định rõ về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; tổ chức và hoạt động báo chí; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí; quản lý nhà nước về báo chí. Điều 25 Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 nêu rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Hay ở Điều 11 Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 quy định rõ công dân có quyền: “Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức và cá nhân”.

Đặc biệt, trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến phát triển internet, đây là công cụ quan trọng, nhằm đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Theo thống kê, hiện nay nước ta nằm trong top 20 nước có số người sử dụng internet cao nhất thế giới, với gần 70% người sử dụng, cao hơn mức trung bình của thế giới (hơn 51%). Thông qua các trang thông tin điện tử và mạng xã hội, người dân có thể tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm, đăng tải hay lan truyền bất cứ thông tin gì thông qua tài khoản cá nhân của mình như Facebook, YouTube, Viber, Zalo,…. Việc thể hiện quyền tự do ngôn luận của mỗi người chưa bao giờ trở nên dễ dàng và có sức lan truyền nhanh chóng như hiện nay; Nhân dân có thể tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình các kỳ đại hội của Đảng, góp ý vào các dự thảo luật, các chế độ chính sách,…. Tuy nhiên, Nhà nước Việt Nam cũng kiên quyết trừng trị những tổ chức, cá nhân lợi dụng vấn đề này để có những hành vi tung tin xấu độc, xuyên tạc, bôi nhọ, kéo bè, lập phái chống đối Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Xuyên tạc tình hình tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam là một chiêu trò, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt luôn được những tổ chức, cá nhân cực đoan, cơ hội chính trị thường xuyên sử dụng. Trước sự xuyên tạc trắng trợn của các phần tử cơ hội chính trị, thế lực thù địch, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần làm tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng mạng internet, trang bị cho mình những kỹ năng tự sàng lọc thông tin, bồi dưỡng hình thành thói quen hành động và ứng xử tích cực, có văn hóa trên môi trường mạng. Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động báo chí và bảo đảm quyền thông tin của mọi công dân trước pháp luật. Tiếp tục nghiên cứu, nắm chắc luật báo chí, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của mỗi công dân. Trên cơ sở đó, quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trên lĩnh vực thông tin, báo chí, phát ngôn bảo đảm đúng pháp luật. Đồng thời, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nhận diện và kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lợi dụng vấn đề tự do ngôn luận, tự do báo chí để xuyên tạc, vu khống trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền ở nước ta./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét