Một điều dễ nhận thấy là
trong thời gian qua, các vụ đại án tham nhũng thường được phát hiện thông qua
dư luận và báo chí, từ đó được xử lý do chỉ đạo từ Trung ương. Vai trò của các
tổ chức đảng ở các bộ, ngành, địa phương, đơn vị ở cơ sở trong việc kiểm tra,
giám sát để phát hiện sai phạm còn hạn chế. Trong khi đó, nhiệm vụ phòng, chống
suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, phòng chống “tự diễn
biến", "tự chuyển hóa” cần phải làm tốt từ cấp cơ sở, đối với từng
cán bộ, đảng viên. Một tổ chức đảng giàu sức sống, vững mạnh là một tổ chức
đảng có khả năng thường xuyên loại bỏ được những hạn chế của mình, mà trong đó,
phải có khả năng phát hiện những đảng viên có dấu hiệu vi phạm để kịp thời nhắc
nhở, chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý kỷ luật theo đúng mức độ vi phạm.
Trong phương pháp cách mạng, chúng ta thường lấy tập thể để
rèn cá nhân. Nhưng trong tác động đa chiều của cuộc sống hiện nay, một cá nhân
có thể ảnh hưởng, gây tác hại, chuyển hóa về chất cả một tập thể, một tổ chức.
Đó là vì, khi một cá nhân xấu vẫn có cơ hội để thăng tiến thì sẽ tiếp tục xây
dựng, củng cố vây cánh của mình; và những người khác sẽ lấy đó làm hình mẫu để
tồn tại và vươn lên. Thời kỳ đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã gọi sự im
lặng trước cái xấu là “sự im lặng đáng sợ”. Đó là sự im lặng vô trách nhiệm. Và
càng đáng sợ hơn khi có những người sẵn sàng bắt tay với cái xấu vì lợi ích của
mình. Như thế, cái xấu sẽ tiếp tục lan truyền và việc chuyển hóa cả tập thể là
không tránh khỏi. Vì thế, “sự im lặng đáng sợ” ấy của các tập thể cần phải được
phá bỏ.
Việc nhìn nhận rõ đâu là cá nhân “đen” trong một tập thể,
để từ đó bài trừ, ngăn chặn, xử lý có vai trò quan trọng như ngăn chặn giọt
mực, không để làm vấy bẩn cốc nước. Muốn làm được như thế thì tập thể, tổ chức
đảng ở cơ sở cần phải tăng tính chiến đấu, sử dụng tốt các vũ khí thanh lọc, đó
là phê bình và tự phê bình, thẳng thắn góp ý, phân tích những mặt mạnh, mặt yếu
của từng đảng viên trong chi bộ, trong đảng bộ để sửa chữa, rút kinh nghiệm.
Không ngần ngại đấu tranh, làm rõ những vấn đề liên quan tới nhân cách, tư
tưởng, đạo đức, lối sống, trách nhiệm của các đảng viên trong tổ chức đảng. Và
khi một cán bộ, đảng viên nào đó trong tổ chức đảng đã bị xác định rõ hành vi
vi phạm nghiêm trọng thì phải dùng biện pháp tổ chức, kỷ luật kiên quyết xử lý,
không để cá nhân đó tiếp tục gây ra tác hại. Qua đó cũng thấy, trách nhiệm
để ngăn chặn những giọt mực loang ra là trách nhiệm chung của cả cấp cơ sở và
cấp trên, của cả cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy và mỗi đảng viên, quần chúng. Việc
để các cán bộ có tín nhiệm thấp, có dư luận tiêu cực về phẩm chất, đạo đức,
nhưng vẫn được đề bạt, bổ nhiệm là lỗi của tổ chức Đảng ở cơ sở. Vì thế, trong
việc quy hoạch, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ, thì dù có "tác động",
"định hướng" từ đâu đó nhưng cũng cần phải nghiêm chỉnh chấp hành
nguyên tắc, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Khi mà
một cán bộ có tín nhiệm thấp, có nhiều "điều ra, tiếng vào" thì cần
phải hết sức thận trọng, xem xét kỹ lưỡng trước khi quy hoạch, bổ nhiệm.
Cuộc đấu tranh chống tiêu
cực tham nhũng thời gian qua đã đạt nhiều kết quả nổi bật, nhưng như Tổng Bí
thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, đây là cuộc đấu tranh còn
lâu dài, quyết liệt, gian nan. Cuộc đấu tranh ấy càng đi vào chiều sâu thì càng
cần phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên. Chống tiêu
cực, tham nhũng chẳng nhìn đâu xa xôi mà cần phải chống ngay những mặt còn hạn
chế trong bản thân mỗi chúng ta, dám kiên quyết đấu tranh với biểu hiện suy
thoái, sai phạm, với cái xấu ngay trong chính tập thể của chúng ta, đơn vị của
chúng ta, ngõ xóm nơi chúng ta ở. Để làm sao những "giọt mực đen" sẽ
bị loại trừ, không thể vấy bẩn uy danh của Đảng, làm ảnh hưởng tới sức mạnh tập
thể của các cơ quan, đơn vị và Nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét