Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2021

TÍNH ĐÚNG ĐẮN TRONG THỰC HIỆN QUYỀN BẦU CỬ CỦA NƯỚC TA

 

        Xuyên tạc công tác tổ chức, nguyên tắc hoạt động và công tác nhân sự như: Chúng rêu rao luận điệu bầu cử Đại biểu Quốc hội “Chỉ là hình thức”, “tất cả đã được an bài, thỏa hiệp, phân chia”; phản đối luật tổ chức Quốc hội, luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND… Hạ thấp vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong công tác bầu cử… Xuyên tạc Quốc hội hoạt động “không chuyên nghiệp, xa dân”; đưa ra yêu sách đòi Quốc hội khóa XV phải thông qua các dự án luật; “Luật về Đảng Cộng sản Việt Nam”, “Luật biểu tình, luật về hội”. So với những kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trước đây thì lần này, mức độ chống phá của các thế lực thù địch ngoài nước và cơ hội chính trị, “trở cờ” trong nước có diễn biến mới, trắng trợn, thâm độc hơn. Một trong những nội dung mà các đối tượng hướng tới là chiêu trò có tên gọi “không biết không bầu”. Cảnh giác với chiêu trò này, tập trung bảo vệ cho tiến trình bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là trách nhiệm không của riêng ai.

Bất chấp ý nghĩa tốt đẹp về bầu cử đã được hiến định và quy định trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, thời gian qua, trên mạng xã hội, một số đối tượng cơ hội chính trị trong nước đã phát động cái gọi là “không biết không bầu”. Điển hình là ngày 18-3-2021, trên blog Việt Nam Thời báo, đối tượng Nguyễn Huyền tán phát bài “Bầu Ngược”; đối tượng Nguyễn Nam tán phát bài “Dẫu gì thì họ cũng là những ông già gần đất xa trời”; trên trang blog RFA, ngày 22/3/2021 đối tượng Phạm Quý Thọ tán phát bài “Ai sẽ kế nhiệm Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ”? nội dung nói xấu, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; xuyên tạc công tác chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp năm 2021. Cũng trong cuối tháng 3/2021, đối tượng Trần Viết Hoạt tán phát bài “Tình hình Việt Nam hiện nay” trên trang blog Việt Nam thời báo, nội dung xuyên tạc sự vận dụng Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào tình hình thực tiễn đất nước của Đảng ta; phủ nhận kết quả Đại Hội Đảng lần thứ XIII; phản đối chế độ một đảng lãnh đạo ở Việt Nam; tô hồng chế độ tư bản chủ nghĩa; kêu gọi “thay đổi” con đường phát triển đất nước... Đồng thời chống phá trên các trang trên Facebook cá nhân về cái gọi là “không biết không bầu”. Đối tượng khẳng định, việc các cơ quan trung ương giới thiệu nhân sự bầu đại biểu Quốc hội về các địa phương để ứng cử là một biểu hiện của “Đảng cử, dân bầu”. Thế nên, việc cử tri bầu những người này chỉ là hình thức. Họ không đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cử tri mà chỉ bảo vệ lợi ích cho Đảng, nhằm “đàn áp” nhân dân...

Thực chất, việc kêu gọi “không biết không bầu” là chiêu trò rất thâm hiểm. Bởi nó là một hình thức cổ vũ cho chủ nghĩa tự do vô chính phủ và chủ nghĩa dân túy. Mục đích là để tẩy chay vai trò lãnh đạo của Đảng với cách mạng Việt Nam, xóa bỏ nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bầu cử là một biểu hiện tính dân chủ, tiến bộ của Nhà nước pháp quyền so với các chế độ chính trị đã có trong lịch sử như phong kiến hoặc chiếm hữu nô lệ. Ở Việt Nam, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là một hình thức thể hiện ở mức cao nhất quyền làm chủ của công dân và được ví như ngày hội thực sự của toàn dân. Việc đưa ra và tuyên truyền, cổ xúy cho cái gọi là “không biết không bầu” là đi ngược lại với tinh thần của Hiến pháp, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Thế nên, nếu thực hiện “không biết không bầu” thì chính là đã chối bỏ chính quyền công dân, quyền cử tri mà pháp luật đã quy định cho mỗi công dân.

Việc phát tán thông tin xuyên tạc khiến nhiều người lầm tưởng, hiểu sai lệch chế độ chính trị ở Việt Nam, cổ vũ cho tư tưởng dân chủ phương Tây và chủ nghĩa dân túy. Thực tế, ở các nước phương Tây, hoạt động vận động tranh cử và bầu cử có biểu hiện lợi ích cục bộ, thao túng chính trị, bất bình đẳng giữa các tầng lớp trong xã hội, khiến dư luận bất bình. Thời gian qua, những lùm xùm, bất ổn xung quanh bầu cử tổng thống của một quốc gia ở châu Mỹ - vốn được xem là hình mẫu cho những đối tượng dân chủ giả hiệu và tự phong ở Việt Nam - đã cho thấy những bất đồng, phân biệt về quyền làm chủ của công dân giữa các tầng lớp khác nhau trong xã hội, hoàn toàn xa lạ với quyền làm chủ và thực hiện quyền làm chủ của công dân Việt Nam.

Nêu cao cảnh giác trước những chiêu bài phá hoại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là yêu cầu cấp bách. Trước hết, mỗi cử tri, nhất là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần cẩn trọng khi tiếp cận thông tin từ mạng xã hội; không chia sẻ, bình luận những thông tin chưa được kiểm chứng. Cùng với đó là tăng cường vận động người thân trong gia đình, người xung quanh làm tròn trách nhiệm công dân, trách nhiệm cử tri trong ngày hội lớn của đất nước./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét