Tham gia bầu cử là quyền và nghĩa vụ của công dân. Quyền bầu
cử là quy định của pháp luật về khả năng của công dân thực hiện quyền lựa chọn
người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực của Nhà nước. Quyền bầu cử bao gồm
việc đề cử, giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu, tức là quyền chủ động trong lựa
chọn của công dân. Thông qua bầu cử, nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại
diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, để thay mặt mình thực hiện
quyền lực Nhà nước; góp phần thiết lập ra bộ máy Nhà nước để tiến hành các hoạt
động quản lý xã hội.
Quyền bầu cử đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013. Cụ
thể, Điều 27 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: "Công dân đủ mười tám tuổi trở lên
có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội
đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định". Nhà nước ta
luôn phát huy quyền làm chủ của nhân dân, quyền bầu cử, ứng cử được coi là quyền
quan trọng của công dân, đi đôi với quyền là trách nhiệm, nghĩa vụ của công
dân. Do đó, vận động cử tri không đi bầu cử là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm
quyền và nghĩa vụ của công dân.
Điều 95, Chương X, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND quy định:
"Người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc
bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử... thì tùy
theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính
hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự".
Điều 160, Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm
2017) quy định về việc xử lý các hành vi vi phạm nói trên:
“Điều 160. Tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử
hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân
1. Người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn
khác cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết
khi Nhà nước trưng cầu ý dân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ
đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị
phạt tù từ 01 năm đến 02 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Dẫn đến hoãn ngày bầu cử, bầu cử lại hoặc hoãn việc trưng
cầu ý dân.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định
từ 01 năm đến 05 năm.
Thực hiện đúng, đủ quyền bầu cử không chỉ thể hiện trách nhiệm
chính trị của mỗi cử tri mà còn là cách để mỗi cử tri góp sức vào thành công của
cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; trực tiếp
đập tan các luận điệu chống phá của các thế lực phản động, thù địch./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét