Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2021

VIỆT TÂN DUY TRÌ 1.000 TÀI KHOẢN TRÊN MẠNG XÃ HỘI ĐỂ CHỐNG PHÁ BẦU CỬ

 

Ngày 23/5/2021 tới đây, toàn dân sẽ chính thức tham gia vào bầu cử Quốc hội khóa XV, Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 để chọn ra những người tài đức, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Các bước chuẩn bị đang được gấp rút hoàn thiện, trong đó dự kiến khu vực miền núi, hải đảo sẽ được tổ chức bầu cử sớm.

Càng gần đến thời điểm bầu cử, các thế lực thù địch càng tăng cường chống phá, tuyên truyền sai lệch với chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, nhằm mục đích gây hoang mang cho cử tri.

Thời gian qua, tổ chức phản động Việt Tân cho lập mới 300 tài khoản, duy trì 1.000 tài khoản trên các mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ những bài viết, thông tin tiêu cực trong xã hội để thổi phồng, phá hoại tư tưởng.

Âm mưu của chúng là thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, tấn công trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, tạo ra “những khoảng trống” để dần đưa hệ tư tưởng tư sản thâm nhập cán bộ, đảng viên, từng bước “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.

Bên cạnh đó, chúng sử dụng thư điện tử phát tán các tài liệu phản động với tiêu đề: “Hiến pháp Việt Nam năm 2021”, “Giải trình Hiến pháp Việt Nam năm 2021”…, kích động số đối tượng chống đối, cơ hội chính trị trong nước thành lập các hội, nhóm, lôi kéo người dân tham gia chống phá bầu cử, gây phức tạp tình hình an ninh, trật tự.

Thực tế cho thấy, công tác bầu cử Quốc hội trong những nhiệm kỳ qua là dân chủ, tôn trọng đa số phiếu mà nhân dân bầu ra. Có rất nhiều người không phải Đảng viên nhưng cũng vẫn trúng cử Đại biểu Quốc hội do nhân dân bầu chọn, điển hình như nhà sử học Dương Trung Quốc, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, khối người dân tộc thiểu số như các đại biểu Ka’H’Hoa (dân tộc Mạ, giáo viên ở Đắk Nông), Triệu Thị Huyền (dân tộc Dao, nông dân ở Yên Bái)...

Ở Quốc hội khóa XIV cũng có đến 15 đại biểu do Trung ương giới thiệu nhưng không trúng cử. Những điều này chứng minh việc bầu cử Quốc hội là tôn trọng ý kiến của đa số cử tri, chứ không phải “sắp xếp ghế” như các đối tượng chống phá xuyên tạc.

Theo đại diện của Cục An ninh Chính trị Nội bộ (Bộ Công an), các thế lực phản động còn sử dụng chiêu trò “tự ứng cử”, đó là hô hào các nhóm dân chủ trên mạng xã hội ký tên ảo, tung hô ủng hộ, kích động các nhà dân chủ, một số đối tượng có hoạt động “tự ứng cử” để gây rối, phá hoại bầu cử.

Khi bị loại ở vòng hiệp thương do không đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì chúng lại rêu rao xuyên tạc, chỉ có những người theo phe Đảng Cộng sản mới có cơ hội ứng cử hay Đảng Cộng sản cố tình cản trở người ngoài Đảng ứng cử.

Đối tượng Lê Trọng Hùng, chủ facebook Hùng Gàn Lê thường đưa lên trang cá nhân những lời nói xấu vô căn cứ về lãnh đạo và công khai ủng hộ việc người vi phạm pháp luật chống đối lực lượng chức năng.

Thực tế cho thấy, những đối tượng tự ứng cử theo kiểu gây rối phần nhiều còn có hành vi phạm pháp. Do đó, tư cách của một công dân bình thường còn chưa đáp ứng được thì bị loại ở vòng hiệp thương là điều dễ hiểu. Điển hình như trường hợp của Lê Trọng Hùng (chủ facebook Hùng Gàn Lê) vừa bị cơ quan chức năng bắt về hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét