Âm mưu của chúng là thực hiện
chiến lược “diễn biến hòa bình”, tấn công trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, gây
hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, dần đưa hệ tư tưởng tư sản thâm nhập cán bộ,
đảng viên, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.
Âm mưu xóa bỏ vai trò
lãnh đạo của Đảng
Ngày 23/5/2021 tới đây,
toàn dân sẽ chính thức tham gia vào bầu cử Quốc hội khóa XV, Hội đồng Nhân dân
các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 để chọn ra những người tài đức, đại diện cho ý chí
và nguyện vọng của nhân dân. Các bước chuẩn bị đang được gấp rút hoàn thiện,
trong đó dự kiến khu vực miền núi, hải đảo sẽ được tổ chức bầu cử sớm.
Càng gần đến thời điểm
bầu cử, các thế lực thù địch càng tăng cường chống phá, tuyên truyền sai lệch
với chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, nhằm mục đích gây hoang mang cho cử tri.
Thời gian qua, tổ chức phản động Việt Tân đã cho lập mới 300 tài khoản, duy trì
1.000 tài khoản trên các mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ những bài viết, thông
tin tiêu cực trong xã hội để thổi phồng, phá hoại tư tưởng.
Âm mưu của chúng là thực
hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, tấn công trên mặt trận tư tưởng, văn hóa,
gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, tạo ra “những khoảng trống” để dần đưa hệ
tư tưởng tư sản thâm nhập cán bộ, đảng viên, từng bước “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa”, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.
Bên cạnh đó, chúng sử
dụng thư điện tử phát tán các tài liệu phản động với tiêu đề: “Hiến pháp Việt
Nam năm 2021”, “Giải trình Hiến pháp Việt Nam năm 2021”…, kích động số đối
tượng chống đối, cơ hội chính trị trong nước thành lập các hội, nhóm, lôi kéo người
dân tham gia chống phá bầu cử, gây phức tạp tình hình an ninh, trật tự.
Trao đổi với phóng viên
VOV, Trung tá Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng phòng An ninh báo chí xuất bản -
Cục An ninh Chính trị Nội bộ (Bộ Công an) cho biết: “Thủ đoạn của các đối tượng
là đăng tải, chia sẻ trên không gian mạng hàng ngàn bài viết xuyên tạc về vai
trò lãnh đạo của Đảng với công tác bầu cử. Chúng xuyên tạc rằng bầu cử chỉ là
màn kịch dân chủ do Đảng đạo diễn, Đảng Cộng sản đang độc diễn bầu cử, không có
cuộc bầu cử dân chủ khi Đảng lãnh đạo cuộc bầu cử này...”
Cũng theo Trung tá Nguyễn
Ngọc Phương, các đối tượng chống phá còn đưa ra những yêu sách, kiến nghị vô
căn cứ, cho rằng, quyền lực trong Quốc hội đã được thỏa hiệp, phân chia, việc
tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội chỉ là hình thức.
Những lập luận của thế
lực thù địch là vô căn cứ
Thực tế cho thấy, công
tác bầu cử Quốc hội trong những nhiệm kỳ qua là dân chủ, tôn trọng đa số phiếu
mà nhân dân bầu ra. Có rất nhiều người không phải Đảng viên nhưng cũng vẫn
trúng cử Đại biểu Quốc hội do nhân dân bầu chọn, điển hình như nhà sử học Dương
Trung Quốc, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, khối người dân
tộc thiểu số như các đại biểu Ka’H’Hoa (dân tộc Mạ, giáo viên ở Đắk Nông),
Triệu Thị Huyền (dân tộc Dao, nông dân ở Yên Bái)...
Ở Quốc hội khóa XIV cũng
có đến 15 đại biểu do Trung ương giới thiệu nhưng không trúng cử. Những điều
này chứng minh việc bầu cử Quốc hội là tôn trọng ý kiến của đa số cử tri, chứ
không phải “sắp xếp ghế” như các đối tượng chống phá xuyên tạc.
Theo đại diện của Cục An
ninh Chính trị Nội bộ (Bộ Công an), các thế lực phản động còn sử dụng chiêu trò
“tự ứng cử”, đó là hô hào các nhóm dân chủ trên mạng xã hội ký tên ảo, tung hô
ủng hộ, kích động các nhà dân chủ, một số đối tượng có hoạt động “tự ứng cử” để
gây rối, phá hoại bầu cử.
Khi bị loại ở vòng hiệp
thương do không đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì chúng lại rêu rao xuyên tạc, chỉ
có những người theo phe Đảng Cộng sản mới có cơ hội ứng cử hay Đảng Cộng sản cố
tình cản trở người ngoài Đảng ứng cử.
Thực tế cho thấy, những
đối tượng tự ứng cử theo kiểu gây rối phần nhiều còn có hành vi phạm pháp. Do
đó, tư cách của một công dân bình thường còn chưa đáp ứng được thì bị loại ở
vòng hiệp thương là điều dễ hiểu. Điển hình như trường hợp của Lê Trọng Hùng
(chủ facebook Hùng Gàn Lê) vừa bị cơ quan chức năng bắt về hành vi “Làm, tàng
trữ, phát tán hoặc truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Theo Trung tá Nguyễn Ngọc
Phương, người dân cần tỉnh táo, không sa vào các “cạm bẫy lập luận” mà đối
tượng giăng trên mạng: “Chúng tôi xin khuyến cáo người dân: Không tiếp tay cho
những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc về cuộc bầu cử, cũng như không chia sẻ,
phát tán thông tin xấu độc, sai sự thật, kêu gọi hay ủng hộ tẩy chay bầu cử...”
Trung tá Phương nhấn
mạnh, người dân nên cùng chính quyền đấu tranh, vạch mặt những cá nhân có hoạt
động chống phá bầu cử, gây mất an ninh trật tự. Đồng thời, chia sẻ những thông
tin chính thống, có dẫn chứng rõ ràng về cuộc bầu cử cũng là một cách để người
dân thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân với cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và
Hội đồng Nhân dân các cấp.
Theo báo cáo của Hội đồng
Bầu cử quốc gia tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, công tác chuẩn bị nhân sự
tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
nhiệm kỳ 2021-2026 được tiến hành thận trọng, bảo đảm đúng quy trình lựa chọn,
giới thiệu người ứng cử. Đến nay, các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và
địa phương đã hoàn thành việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại
biểu HĐND các cấp.
Theo thống kê sơ bộ, tổng
số người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV là 1.084 người, trong đó có 205 người
do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu, 803 người do các cơ
quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu, 76 người tự ứng cử, đạt tỷ lệ
bình quân 2,17 lần so với tổng số đại biểu Quốc hội được bầu. Hội đồng Bầu cử
quốc gia đang phối hợp với các cơ quan tập trung chỉ đạo tổ chức tốt việc lấy ý
kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng
pháp luật./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét