Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2021

CẢNH GIÁC TRƯỚC SỰ XUYÊN TẠC, CHỐNG PHÁ BẦU CỬ QUỐC HỘI KHOÁ XV VÀ KỲ HỌP CUỐI CÙNG CỦA QUỐC HỘI KHOÁ XIV


Trong khi các cơ quan chức năng đang tiến hành khẩn trương để chuẩn bị cho ngày hội của toàn dân – ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thì lợi dụng mạng xã hội, hàng ngày, hàng giờ các đối tượng phản động có, cơ hội có, những người “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có (gọi chung là các đối tượng) đã đăng tải các thông tin, các bài viết sai lệch, phiến diện, một chiều, quy chụp và xuyên tạc bản chất vấn đề để bẻ lái dư luận theo hướng tiêu cực, nhằm kích động tư tưởng hoài nghi về công tác bầu cử Quốc hội khóa XV và kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV.

1. Một trong những chiêu trò mà các đối tượng thường sử dụng là dùng luận điệu man trá lấp dưới chiêu bài dân chủ, nhân danh đòi dân chủ trong bầu cử để gây chia rẽ lòng dân khi quy kết rằng bầu cử Quốc hội chỉ là “màn kịch dân chủ” do Đảng đạo diễn; đó chỉ là hội nghị Đảng Cộng sản mở rộng để Đảng độc diễn sự độc quyền lãnh đạo của mình. Muốn dân chủ thực sự, Đảng phải để các ứng cử viên tự do tranh cử, dựa trên chữ ký của cử tri mà không cần phải trải qua hiệp thương; nhất là, cần phải xóa bỏ cơ chế bầu cử hiện tại và thay bằng bầu cử theo phương thức của các nước tư bản…

Hơn nữa, càng “không thể có cuộc bầu cử dân chủ khi Đảng Cộng sản lãnh đạo cuộc bầu cử”, bởi theo họ, Đảng Cộng sản lãnh đạo công tác bầu cử là không đúng quy định của pháp luật, là nói dân chủ nhưng thực chất là ngăn cản quyền bầu cử, ứng cử của công dân. Vì thế, theo họ, để đảm bảo dân chủ thực sự, dân chủ như bầu cử ở các nước tư bản phương Tây và Mỹ, thì Đảng Cộng sản không được tham gia vào công tác bầu cử, lại càng không được thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo công tác bầu cử.

Nực cười là, trong khi xuyên tạc và nhiễu nhương như vậy, các đối tượng có âm mưu, thủ đoạn chống phá công tác bầu cử Quốc hội nói chung, Quốc hội khóa XV nói riêng đã không chịu đọc/không chịu hiểu rõ rằng Khoản 1, Điều 4, Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quy định rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Theo Hiến pháp Việt Nam, việc Đảng lãnh đạo công tác bầu cử, tham gia vào công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật, là không vi hiến.

2. Trong mỗi kỳ bầu cử Quốc hội, kể từ kỳ Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội khóa I ngày 6/1/1946 cho đến những kỳ bầu cử Quốc hội gần đây và khóa XV này, vấn đề tự ứng cử, việc hô hào các nhóm dân chủ ký tên ảo để tung tin/tung hô, ủng hộ cho các “nhà dân chủ cuội tự ứng cử đại biểu Quốc hội” nhằm gây rối, phá hoại cuộc bầu cử đã không còn xa lạ. Người dân hiểu biết pháp luật thường nói: “chuyện này xưa rồi, Diễm ơi” là vì thế. Bởi, đây không phải là lần đầu, đợt đầu các đối tượng chống phá tiến hành chiêu trò tự ứng cử để chống đối công tác bầu cử.

Thực tế, bầu cử ở Việt Nam được thực hiện theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu. Xuyên suốt 15 kỳ bầu cử Quốc hội, không ít người ngoài Đảng tự ứng cử đại biểu Quốc hội được nhân dân tín nhiệm, bỏ phiếu và trở thành đại biểu Quốc hội. Song cũng không ít người từ trong hồ sơ lý lịch đã không đủ các điều kiện của một đại biểu Quốc hội và đã bị loại qua các vòng hiệp thương. Tuy nhiên, không cam tâm trước mong muốn của mình bị thất bại, lập tức họ cùng dàn đồng ca quanh họ bèn lu loa, rêu rao rằng: Người tự ứng cử mà không phải do Đảng cử thì không có cơ hội; chỉ có những người “theo phe” Đảng Cộng sản mới có cơ hội ứng cử đại biểu Quốc hội; Đảng Cộng sản cố tình gây khó và cản trở người ngoài Đảng tự ứng cử đại biểu Quốc hội; Đảng đã xếp ghế nhân sự trong Quốc hội; bầu cử Quốc hội chỉ là hình thức, quyền lực trong Quốc hội đã được các phe nhóm của Đảng an bài, phân chia từ Hội nghị Trung ương 2 rồi… Có thể khẳng định rằng, đây là sự xuyên tạc trắng trợn công tác cán bộ nói chung, công tác nhân sự của Đảng nói riêng.

Điểm nữa mà các đối tượng thường nhắc đến là, theo họ, để Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân thì cần phải cân bằng quyền lực trong Quốc hội bằng cách chia một nửa số ghế cho những người ngoài Đảng, vì quy định số lượng đại biểu ngoài Đảng như hiện tại là quá ít. Nhũng nhiễu vậy mà họ không chịu hiểu, không biết rằng Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 ngày 11/1/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định rõ việc dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV, cơ cấu số lượng đại biểu là người ngoài Đảng từ 25-50 đại biểu (5-10%).

Có thể thấy, những luận điệu độc hại này cùng với vấn đề số lượng, cơ cấu đại biểu, số lượng đại biểu là người ngoài Đảng ứng cử đại biểu Quốc hội đã bị các đối tượng cơ hội chính trị xuyên tạc để làm biến tướng bản chất vấn đề. Đồng thời, chiêu trò tự ứng cử đại biểu Quốc hội mà các “nhà dân chủ” đang thực hiện cho thấy sự thật là, một mặt, họ muốn phá hoại bầu cử, gây rối lòng dân; mặt khác, thông qua đó, họ muốn đánh bóng tên tuổi của mình để “làm hàng trong giới dân chủ” nhằm mưu cầu lợi ích cá nhân.

3. Trong khi mạng xã hội đang “sôi động” các luận điệu thâm độc như vậy để chống phá công tác bầu cử Quốc hội khóa XV, thì gần nhất, trong bài viết “Rỉa lông” của mình đăng trên Tiếng Dân New và “Quốc hội và những khác thường xảy ra định kỳ tại Việt Nam” đăng trên VOA, Đỗ Ngà và Trân Văn đã xuyên tạc bản chất hoạt động của kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV.

Với việc tung ra các luận điệu sai lệch bản chất: “Thực chất họp quốc hội là vở kịch vụn của ĐCS. Với kịch bản chắp vá kiểu “râu ông cắm cằm bà”, ĐCS đã cho Quốc hội khóa 14 bầu Chủ tịch Quốc hội khóa 15”; “thực chất của kỳ họp Quốc hội đó hoàn toàn không cần thiết, vì chức tước đã được chia chác đâu vào đấy từ trước đó”; “Quốc hội Việt Nam khóa 14 vừa có tân Chủ tịch (1) và ba tân Phó Chủ tịch (2). Nhất trí cao đối với việc miễn nhiệm cùng lúc cả Chủ tịch lẫn ba Phó Chủ tịch của Quốc hội là chuyện khác thường, rất hiếm thấy và dường như chỉ xảy ra theo… định kỳ tại Việt Nam. Tuy nhiên sự kiện thuộc loại… cổ lai hi đó vẫn chưa khôi hài và đáng ngán bằng việc tân Chủ tịch và ba tân Phó Chủ tịch vừa đắc cử ở Quốc hội khóa này (2016 – 2021) chắc chắn sẽ là… Chủ tịch và các Phó Chủ tịch của… Quốc hội khóa sau (2021 – 2026)”, Đỗ Ngà và Trân Văn không chỉ không hiểu đúng về hệ thống pháp luật Việt Nam, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Luật tổ chức Quốc hội 2014 và Luật số 65/2020/QH14 của Quốc hội: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 2014 và Hội đồng nhân dân năm 2015 mà còn xuyên tạc sự thật, xuyên tạc bản chất của vấn đề nhân sự trong Quốc hội.

Thực chất việc miễn nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh nêu trên là đúng luật, là không vi hiến. Nó cho thấy công tác cán bộ được chuẩn bị kỹ theo từng giaii đoạn, đúng lộ trình, đảm bảo tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch và có tính kế thừa.

Vì thế, có thể thấy, việc làm này của Đỗ Ngà và Trân Văn cũng không ngoài mưu đồ chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận đòi xóa bỏ vai trò Đảng lãnh đạo Quốc hội, nhà nước và hệ thống chính trị nói chung, công tác cán bộ/công tác nhân sự nói riêng.

Vì thế, cũng có thể thấy, việc tung tin kích động của Trần Văn: “Thực chất, trong mâm quyền lực của đảng, dân không có phần thì có tổ chức công bố cũng chỉ để thỏa mãn tính háo danh của đám lãnh đạo chứ với dân chẳng có ý nghĩa gì” và “ai cũng biết, được bổ nhiệm hay bị miễn nhiệm trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đều phụ thuộc hoàn toàn vào… sự sắp đặt của đảng” cũng không đánh lừa được lòng dân tin Đảng; lại càng không thể phá hoại được niềm vui chung và tinh thần trách nhiệm công dân của mỗi người trong ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sắp tới!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét