Thứ Năm, 8 tháng 4, 2021

ĐỀ CAO CẢNH GIÁC, CHỦ ĐỘNG ĐẤU TRANH CÁC HOẠT ĐỘNG CHỐNG PHÁ BẦU CỬ QUỐC HỘI KHÓA XIV


Sau các hoạt động phá hoại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta, thời gian gần đây, các thế lực thù địch đang thực hiện hàng loạt thủ đoạn nhằm phá hoại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Thực tế này đòi hỏi chúng ta cần nêu cao cảnh giác, chủ động đấu tranh làm thất bại thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

Cụ thể, với âm mưu phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta đối với cuộc bầu cử, liên tục những ngày qua, nhiều website, một số trang báo nước ngoài, trang mạng xã hội, trang blog cá nhân do các tổ chức phản động, cá nhân chống đối, cơ hội chính trị điều hành đã đăng tải nhiều nội dung, bài viết thể hiện cái nhìn phiến diện, sai lệch về công tác bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp ở Việt Nam. Điển hình là những luận điệu sai trái như: “Đảng Cộng sản lãnh đạo bầu cử là không dân chủ”; “Bầu cử Quốc hội ở Việt Nam là hình thức”; “Cần xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc bầu cử”...

Không khó để nhận thấy ẩn phía sau những luận điệu này là động cơ chính trị đen tối. Bởi ngay sau các luận điệu này, những thế lực phản động đã lớn tiếng yêu cầu Đảng Cộng sản không được tham gia vào công tác bầu cử, không được lãnh đạo công tác bầu cử; Đảng phải chấp nhận đa nguyên, đa đảng, chấp nhận sự “cạnh tranh sòng phẳng” với những đảng phái khác để thúc đẩy dân chủ...

Cùng với đó, một thủ đoạn khác mà các thế lực thù địch đang ra sức thực hiện đó là lợi dụng dân chủ, núp bóng cái gọi là “tự ứng cử", kêu gọi ủng hộ cho các “nhà dân chủ” để gây rối, chống phá cuộc bầu cử.

Do vậy các cơ quan ban ngành, các lực lượng cần tăng cường sự hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ  trong định hướng thông tin; chia sẻ các thông tin cần thiết có liên quan đến hoạt động tuyên truyền chống phá bầu cử của các đối tượng phản động, chống đối chính trị để kịp thời đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm; tăng cường đấu tranh trên không gian mạng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, phản động...

Kịp thời cung cấp các thông tin thường xuyên, liên tục về công tác chuẩn bị và quá trình bầu cử, qua đó giúp người dân có điều kiện tiếp cận các thông tin chính thống; hạn chế ảnh hưởng của những thông tin sai trái, xấu độc. Coi trọng phát huy vai trò của các lực lượng chuyên trách về quản lý an ninh thông tin mạng; chủ động xây dựng các phương án xử lý và xử lý kiên quyết, kịp thời các đối tượng chống phá, phá hoại bầu cử; những cá nhân, tổ chức xuyên tạc, bôi nhọ chế độ, lợi dụng dân chủ để dẫn dắt dư luận xã hội, phá hoại cuộc bầu cử...

Bên cạnh đó, mọi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân cần thường xuyên nêu cao cảnh giác, chủ động đấu tranh, kịp thời phản bác những quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực phản động. Mỗi người cần nâng cao khả năng “tự đề kháng”, tự bảo vệ chính mình trước các thông tin, xấu độc; có thái độ, trách nhiệm rõ ràng trước các luồng thông tin xấu lan truyền trên mạng xã hội trước, trong và sau thời điểm diễn ra cuộc bầu cử.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét