Đã thành thói quen mỗi khi Đảng, Nhà nước
và nhân dân ta tập trung vào nhiệm vụ gì, nội dung công tác nào thì các thế lực
thù địch, phản động lại chĩa mũi nhọn chống phá vào nhiệm vụ ấy, công tác ấy.
Không là ngoại lệ, tiếp theo các hoạt động chống phá Đại hội XIII, các thế lực
thù địch lại tập trung vào chống phá công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV
và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Một nội dung mà chúng đang khoét
sâu là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội
khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Chúng tung ra những luận điệu hết sức sai
trái, gieo rắc sự hoài nghi về cuộc bầu cử Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.
Trên một vài trang mạng thiếu thiện chí với Việt Nam, các thế lực thù địch,
phản động, cơ hội tung ra những bài viết, bài phỏng vấn cho rằng cuộc bầu cử
chỉ là “màn kịch dân chủ” do Đảng Cộng sản Việt Nam đạo diễn; là cuộc bầu cử
“không chính danh”, “không dân chủ”. Chúng gọi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội
khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của ta là cuộc “Đảng cử” và
Quốc hội là “Đảng hội”, “Dân biểu” là “Đảng biểu”. Sau khi Ủy ban TVQH ban hành
Nghị quyết về việc dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa
XV, chúng cho rằng cơ cấu số lượng đại biểu là người ngoài Đảng từ 5-10% là quá
ít và đưa ra đòi hỏi phải số lượng đại biểu Quốc hội là người trong Đảng với số
lượng đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng phải là 50-50. Chúng kiến nghị phải
loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và thay đổi cơ chế bầu cử theo hướng tự do như
các nước TBCN...
Điểm qua như vậy để thấy các thế lực thù
địch, phản động đang bày ra mọi thủ đoạn, chiêu trò hòng phá hoại cuộc bầu cử
đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Chúng
mưu toan cài cắm vào các cơ quan của Quốc hội và HĐND những “mầm mống dân chủ”
để từng bước biến nghị trường thành diễn đàn nhằm thực hiện những âm mưu, thủ
đoạn chống phá, hình thành lực lượng đối lập trong cơ quan quyền lực Nhà nước
cao nhất, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hòng làm ta suy
yếu từ bên trong.
Chúng ta chẳng lạ những điều ẩn khuất đằng
sau mưu đồ chính trị đen tối của các thế lực thù địch. Thực chất của các chiêu
trò ấy vẫn không nhằm mục tiêu nào khác đó là phủ nhận vai trò lãnh đạo của
Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ XHXN ở Việt Nam. Cho dù có tinh vi và biến ảo tới
đâu đi chăng nữa chúng cũng không thể phủ nhận được thực tế.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và
đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm
của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong năm 2021, là đợt sinh hoạt dân chủ
rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân, là sự kiện chính trị quan trọng của đất
nước. Mục tiêu của cuộc bầu cử là nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu ưu tú,
tiêu biểu, xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân
dân, tích cực góp phần xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN
– Nhà nước của dân, do dân, vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Đảng ta khẳng định vai trò lãnh đạo bầu cử
là hoàn toàn đúng Hiến pháp. Điều 4, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đảng Cộng
sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên
phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam,.....là lực lượng lãnh đạo
Nhà nước và xã hội”. Khẳng định vai trò lãnh đạo bầu cử nhưng Đảng ta không bao
biện, không làm thay như giọng điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Thực tế
đã chứng minh sự lãnh đạo của Đảng không hề làm mất đi tính dân chủ mà đó chính
là cơ sở để bảo đảm mở rộng dân chủ, cơ sở để cử tri lựa chọn, bầu ra những đại
biểu ưu tú, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân
dân tham gia Quốc hội và HĐND các cấp. Mặt khác, bên cạnh những thuận lợi, đất
nước ta đang đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức, vai trò lãnh đạo của Đảng
là điều kiện quan trọng, mang tính quyết định bảo đảm cho công tác bầu cử được
tiến hành thống nhất và thành công.
Để tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội
khoá XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 theo đúng các quy
định của Luật Bầu cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết; Bộ
Chính trị đã ra chỉ thị lãnh đạo. Mọi công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đang
được tiến hành đúng tiến độ, các khâu, các bước trong quy trình bảo đảm dân
chủ, chặt chẽ, công khai, minh bạch. Việc phân bổ số lượng, cơ cấu đại biểu
được tính toán kỹ lưỡng, khoa học bảo đảm sự phù hợp, tính đại diện cao cho các
tầng lớp nhân dân, các thành phần xã hội và các vùng miền trong cả nước. Các
thế lực thù địch, phản động, cơ hội đưa ra đòi hỏi “cân bằng quyền lực” là hoàn
toàn trái luật.
Chúng ta không ngăn cấm, cản trở công dân
tự ứng cử, nhưng người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp phải
bảo đảm các tiêu chuẩn cơ bản theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của các
cơ quan chức năng. Để đáp ứng các yêu cầu ấy, những người tham gia ứng cử đại
biểu Quốc hội và HĐND các cấp trước hết phải là những người: “Trung thành với
Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục
tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có phẩm chất đạo đức
tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có
bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan
liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác; có trình độ
văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín
để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội; Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng
nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm…”; “Không giới
thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền
lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu
vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham
nhũng, lãng phí, mất đoàn kết;...”(Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW ngày 20/01/2021 của
Ban Tổ chức Trung ương). Như vậy, dù các thế lực thù địch, phản động, cơ hội
chính trị có tung hô, tô vẽ đến đâu đi chăng nữa thì các “nhà dân chủ” ứng cử
tự do cũng không thể có đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.
Để công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp được tiến
hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, đúng nguyên tắc, an toàn, tiết kiệm và
thành công tốt đẹp, hơn lúc nào hết, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần đẩy
mạnh công tác tuyên truyền làm cho mọi người dân và toàn xã hội về nguyên tắc
Đảng thống nhất lãnh đạo công tác bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Chỉ có nhận
thức đúng chúng ta mới tạo được sự thống nhất cao trong toàn xã hội, tạo sự
đồng thuận trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước và nhân dân nhằm tạo sức mạnh
tổng hợp tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp.
Thông qua đẩy mạnh công tác tuyên truyền chúng ta cần cung cấp
kịp thời các thông tin chính thống về công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại
biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các
thông tin chính thống đó vừa là cách để nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân
dân đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Mặt khác, trong thời
điểm hiện nay các thế lực thù địch, phản động đang gia tăng xuyên tạc, chống
phá công cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp thì việc đẩy mạnh tuyên truyền
cũng là biện pháp nâng cao sức “đề kháng”, giúp người dân tỉnh táo nhận diện
đầy đủ, rõ ràng và kiên quyết vạch trần, đấu tranh phản bác những luận điệu sai
trái, phản động hòng phá hoại cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp của Đảng,
Nhà nước và nhân dân ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét