Thứ Ba, 13 tháng 10, 2020

TƯ TƯỞNG CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ “HỌC NHÂN DÂN” TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY


Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình và trên cương vị là người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian của mình để gần gũi, gắn bó với Nhân dân, nắm bắt và giải quyết có hiệu quả những vấn đề thực tiễn nảy sinh. Nhân dân đã trở thành phần máu thịt không thể tách rời trong suy nghĩ, hành động của Người, ở đâu Nhân dân gặp khó khăn, vướng mắc là ở đó có Hồ Chí Minh. Người khẳng định: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” và Người cũng chỉ rõ: “Không học Nhân dân là một thiếu sót rất lớn”. Vì vậy, việc quán triệt và học tập, làm theo phương pháp, tác phong công tác trong Nhân dân của Hồ Chí Minh đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng để giữ vững, củng cố và phát triển niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước, đưa nước ta ngày càng phát triển đi lên.

Giá trị tư tưởng luận điểm của Hồ Chí Minh thật sâu sắc, thấm thía cả về lý luận, thực tiễn; chỉ rõ cho người cán bộ, đảng viên không ngừng gắn bó mật thiết với Nhân dân, hòa mình vào Nhân dân để quan sát, lắng nghe những phản ánh, những ý kiến, tâm tư, tình cảm của từng đối tượng trong xã hội; không được xa rời nhân dân, tạo khoảng cách trong tiếp xúc, nói chuyện với Nhân dân. Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng…cách xa dân chúng, không lắng nghe ý kiến của dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”.

Thực tiễn hiện nay cho thấy, có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện xa dân, coi thường Nhân dân, không chịu học hỏi ở Nhân dân, xuống cơ sở chủ yếu là để “nhận phong bì”, chứ tuyệt nhiên không có trao đổi, học tập kinh nghiệm hay phương pháp gì ở nhân dân. Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) đánh giá: thời gian qua, có những cán bộ thiếu kiểm tra, đôn đốc, không sâu sát, nắm chắc tình hình cơ sở, vì thế mắc vào “bệnh” xa quần chúng, bàn giấy,… dẫn đến lý luận suông, xây dựng kế hoạch thực hiện không sát với thực tế. Đây là một trong những lỗ hổng trong công tác lãnh đạo, quản lý, vô tình tạo điều kiện cho những kẻ cơ hội chính trị, các thế lực thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc mối liên hệ máu thịt giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, làm suy giảm lòng tin của dân với Đảng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét