Thứ Hai, 19 tháng 10, 2020

LÀM SẠCH KHÔNG GIAN VĂN HÓA MẠNG


Thời đại công nghệ 4.0 đã mang đến cho con người vô vàn tiện ích mà cách đây mấy chục năm người ta nằm mơ cũng không thấy. Nhưng “thế giới phẳng” cũng khiến cho con người dễ bị (và thực tế nhiều người đã bị) ngập chìm trong cái “chợ trời mạng” với đủ thứ thông tin, hình ảnh “thượng vàng hạ cám”.

Thời gian gần đây, công chúng, nhất là giới trẻ không chỉ bị “đầu độc” bởi một số hình ảnh, video clip phản cảm, giật gân câu khách rẻ tiền, thiếu văn hóa của một số YouTuber “ăn nhờ, sống bám” trên nền tảng YouTube mà còn có nguy cơ bị “bội thực” từ những lời nói nhảm nhí, nhăng nhít của một số người trẻ lấy công việc livestream trên mạng xã hội là sở thích “liên tu bất tận” của họ.

Khai thác, tận dụng tối đa ưu thế của mạng xã hội, nhiều người trẻ có chút kiến thức công nghệ thông tin cộng với niềm đam mê thích “lướt "phây", "sống ảo” nên đã tự tạo cho mình một công việc mới mang tên livestream và họ được gọi là streamer. Chỉ cần ngồi trước webcam hay camera điện thoại thông minh, bật chế độ phát sóng trực tiếp có kết nối internet, một người có thể dễ dàng trở thành streamer vừa chơi game, vừa bình luận. Trong khi một số streamer phát sóng những trò chơi khá thú vị, nói năng vui nhộn, hài hước thì thời gian qua cũng xuất hiện không ít streamer thích gì nói đấy, bình luận, phát ngôn một cách bất chấp, bạt mạng, kể cả những lời xằng bậy, chợ búa, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, văn hóa ứng xử của giới trẻ.

Đáng nói hơn, một số streamer tận dụng ưu thế về ngoại hình “trai đẹp, gái xinh”, cộng với chút năng khiếu hoạt ngôn của mình đã không ngại ngần thể hiện các chiêu trò phản cảm trên mạng xã hội nhằm vừa muốn nổi tiếng, vừa muốn kiếm tiền. Những streamer này thời gian đầu ít khi xảy ra “lỡ lời, nhỡ miệng”, nhưng về sau, vì muốn có nhiều viewer (người xem), nhiều follower (người theo dõi), nhiều fan (người hâm mộ)... nên đã tung ra không ít câu từ ngô nghê, tục tĩu. Giới trẻ, nhất là đối tượng tuổi “teen” vốn non nớt về kiến thức văn hóa ứng xử, ngây thơ về nhận thức chính trị, lại dễ bị cuốn hút, lôi kéo bởi những streamer tinh vi sử dụng “vũ khí lợi hại” của mình là “nói một lời, chửi hai câu” để dễ gây tò mò và làm “sướng tai” các viewer, follower...

Để xảy ra tình trạng trên, bên cạnh sự ấu trĩ về văn hóa, sự ngộ nhận về tài năng của một số streamer còn có sự tung hô thái quá của một số tờ báo điện tử và mạng xã hội. Việc cổ xúy này vô hình trung tiếp tay cho những trào lưu “câu view” của một bộ phận streamer “thừa tục tĩu, thiếu chuẩn mực” trên mạng xã hội và tác động tiêu cực đến việc định hình văn hóa lành mạnh cho giới trẻ, làm vẩn đục môi trường văn hóa giao tiếp của xã hội.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm có biện pháp phòng ngừa, xử lý những video clip có nội dung nhảm nhí, dung tục, phản cảm xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Để góp phần làm sạch “rác rưởi” ô nhiễm không gian văn hóa mạng, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần chấn chỉnh những đối tượng livestream với nội dung nhảm nhí, kiên quyết dẹp bỏ những lời nói tục chửi bậy của các streamer trên mạng xã hội, vì đây là những hành vi vi phạm thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa dân tộc và đạo đức xã hội.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét