Thứ Hai, 19 tháng 10, 2020

BỆNH VIỆN BẠCH MAI- THAM NHŨNG KHÔNG CÓ VÙNG CẤM


Ngày 25/9/2020, Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Quốc Anh, cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, để điều tra về hành vi "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo Điều 356, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Đồng thời, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Hiền, cựu phó giám đốc bệnh viện và bà Trịnh Thị Thuận, cựu kế toán trưởng.

Kết quả điều tra bước đầu xác định có một số cá nhân tại Công ty BMS có hệ thống robot được nhập khẩu có giá trị 7,4 tỉ đồng (gồm VAT). Tuy nhiên, các bị can câu kết nâng khống lên 39 tỉ đồng, hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý. Giá hệ thống robot là 7,4 tỉ đồng, chi phí khấu hao máy cho mỗi ca bệnh là 4 triệu đồng, số tiền chênh lệch hưởng lợi chiếm đoạt của người bệnh là 10 tỉ đồng.

Trước đó, C03 đã ra các quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Đức Tuấn - chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc Công ty BMS và Ngô Thị Thu Huyền - phó giám đốc. Các bị can này đều bị khởi tố về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Công ty cổ phần công nghệ y tế BMS (Công ty BMS, dưới đây gọi tắt là BMS) được thành lập từ 13/1/2015, với 22 ngành nghề kinh doanh. Báo cáo kết quả kiểm toán số 24/BC-KTNN ngày 26/2/2020 về các bệnh viện công lập giai đoạn 2016-2020 cho thấy một số cá nhân tại BMS và VFS “có thủ đoạn gian dối, cấu kết hợp thức các thủ tục để nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai, nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của người bệnh”.

Trường hợp liên doanh liên kết giữa Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS, căn cứ thông tư 15/2007/TT-BYT hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết mua sắm trang thiết bị ở bệnh viện công hay là Luật giá thì đều phải có cơ quan quản lý nhà nước thẩm định giá, chứ không thuê doanh nghiệp thẩm định giá. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ làm đúng quy định quy trình 6 bước, khảo sát giá thị trường, lấy báo giá, giá nhập khẩu cộng với chi phí thì khó có chuyện nâng khống lên 4-5 lần như vậy. Trên thực tế không chỉ riêng Bệnh viện Bạch Mai, tại một số đơn vị khác cũng có tình trạng thuê công ty thẩm định giá để rồi thiết bị y tế bị nâng khống lên nhiều lần trước khi đưa vào bệnh viện.

Hiện nay Thanh tra Chính phủ đang chỉ đạo thanh tra diện rộng việc mua sắm thiết bị y tế trên cả nước, việc nâng khống giá thiết bị có diễn ra phạm vi rộng hay hẹp sẽ được làm rõ. Đây là hành vi đáng lên án vì gây thiệt hại nặng nề đối với người bệnh trực tiếp sử dụng thiết bị này, đồng thời gây thất thoát cho Nhà nước. Vì vậy, cơ quan chức năng cần nhanh chóng điều tra, làm rõ hành vi của các cá nhân có liên quan để xử lý. rất cần một cuộc điều tra trên diện rộng để làm rõ tại các bệnh viện khác có tình trạng nâng khống giá thiết bị y tế nhằm trục lợi hay không để xử lý triệt để, tránh tái diễn và đảm bảo quyền lợi cho người dân. 

Nếu không kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng hơn thế, thiệt hại rất nhiều cho người dân và cho cả quốc gia. Trong giai đoạn hiện nay, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu quả quản lý của Nhà nước, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét