Trước diễn biến phức tạp
của dịch bệnh Covid-19 (bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus
Corona gây ra) thời gian qua các cấp, các ngành đã vào cuộc với tinh thần
“Chống dịch như chống giặc”, đề cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan trước dịch
bệnh. Chúng ta bình tĩnh, chủ động, tích cực để chống nguy cơ bùng phát dịch
nhưng không ít đối tượng đã lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, một số đối tượng
khác lại xuyên tạc thông tin gây hoang mang trong xã hội. Đây là hiện tượng cần
dư luận lên án mạnh mẽ và các cơ quan chức năng kiên quyết đấu tranh dẹp
trừ.
Tuy nhiên, trái với những
nỗ lực tích cực, ngược với những tấm lòng thiện tâm, hành động thiện nguyện góp
sức phòng, chống dịch, nhiều đối tượng đã lợi dụng dịch bệnh để lan truyền các
thông tin thất thiệt, nhiều khi chỉ vì “câu” những view ảo mà bất chấp quy định
để đưa ra thông tin sai, gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng, gây sợ hãi cho đám đông. Đáng buồn là những người nổi
tiếng cũng tham gia thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh. Với những nghệ
sĩ, những nhân vật có ảnh hưởng và có nhiều người hâm mộ, theo dõi, thông tin
họ phát đi thường gây tác động nguy hiểm hơn nhiều. Không chỉ làm phức tạp thêm
tình hình dịch bệnh, khiến dân chúng sợ hãi, những thông tin bịa đặt trong bối
cảnh dịch bệnh còn ảnh hưởng đến việc tuyên truyền của chính quyền, làm lệch
lạc nhận thức của người dân về dịch bệnh.
Các
tin thất thiệt còn có khả năng gây ra những sự phản đối, khơi mầm mâu thuẫn
trong xã hội, khiến người dân không tin tưởng vào các cơ quan chức năng, chính
quyền. Dù nhiều trường hợp đưa tin sai bị công an xử phạt và công khai thông
tin nhưng tình trạng tung tin đồn thất thiệt về dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu
dừng lại.
Bầu không khí hoang mang
lại là miếng đất màu mỡ cho những kẻ trục lợi đẩy giá tăng cao bất thường khi
kinh doanh những vật tư cần thiết để phòng bệnh như khẩu trang và nước sát
khuẩn tay, nước súc miệng... Mỗi hộp khẩu trang y tế thông thường được đẩy giá
lên cao gấp từ 5-10 lần so với trước khi dịch bệnh xảy ra. Một số kẻ bất lương khác
thì lợi dụng sự khan hiếm để tranh thủ làm hàng giả tuồn ra thị trường. Điển
hình gần đây nhất là phát hiện cơ sở sản xuất khẩu trang (ở Phú Xuyên, Hà Nội)
quy mô lớn bằng cách độn giấy vệ sinh thay cho lớp màng lọc bụi. Những hành vi
đầu cơ trục lợi và làm hàng y tế giả đã vi phạm cả luật pháp lẫn đạo lý, cần
phải bị lên án, xử lý nghiêm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét