Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các
biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có
quy định thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày
1-4-2020, trên phạm vi toàn quốc. Ngay sau khi Chỉ thị có hiệu lực, phần lớn
các cửa hàng, công ty, nhà xưởng đều buộc phải đóng cửa. Nhiều công nhân, người
lao động tự do buộc phải nghỉ việc ở nhà. Nhiều người lao động địa phương mưu
sinh ở Thủ đô đối mặt với việc không có thu nhập, không thể về quê và vẫn phải
sinh sống để chờ đến ngày dịch bệnh được kiểm soát.
Chính lúc này, tại Thủ đô, nhiều địa điểm phát
đồ ăn miễn phí được thiết lập từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp với phương châm
“Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” với thông điệp lan tỏa “Nếu
khó khăn, hãy lấy một gói mỗi ngày. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác”. Mỗi
suất quà có khi chỉ là gói mì tôm, cái xúc xích hay một cân gạo… cũng đủ làm ấm
lòng những người đang gặp khó.
Hay ở
những siêu thị không đồng, người dân có thể tự do lựa chọn những món đồ dùng
cần thiết với tổng giá trị thật là 100.000 đồng, nhưng chỉ phải trả giá 0 đồng;
“cây ATM” gạo đầu tiên xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh đã tạo ra làn sóng lan tỏa
mạnh mẽ ra khắp cả nước. Cây ATM gạo là một trong những sáng kiến của doanh nhân
Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc một công ty khóa điện tử tại quận Tân Phú, TP Hồ Chí
Minh. Anh Tuấn Anh nảy ra ý tưởng này sau khi anh nhìn thấy nhiều cá nhân và tổ
chức tụ tập để nhận quà, gạo, mì gói cùng nhiều thực phẩm khác. Chia sẻ với báo
chí anh Tuấn cho biết nhận ra rằng lòng tốt có thể làm gia tăng nguy cơ lây
nhiễm dịch bệnh Covid-19 khiến đại dịch trở thành thảm họa. Chính vì thế anh và
các cộng sự của mình đã chế tạo ra cây ATM gạo để có thể vừa giúp được những
người nghèo lại vừa hạn chế được sự lây lan của dịch bệnh. Chiếc máy ATM gạo đầu tiên
trị giá 425 USD bao gồm một hệ thống chia gạo tự động, camera và các nút được
điều khiển bởi ứng dụng điện thoại. Khi có người đứng trước camera ấn nút, van
chứa sẽ tự động mở và khoảng 1,5 kg gạo từ trong bể sẽ chảy xuống đường ống.Sau khi cây ATM gạo đầu tiên
được đưa vào hoạt động, tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác các cây ATM gạo
cũng nhanh chóng được “nhân bản” ở khắp ba miền bắc, trung, nam đã phần nào san
sẻ với Nhà nước, làm vơi đi phần nào khó khăn về kinh tế trong bối cảnh dịch
bệnh./.
-MT-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét