Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

TUYÊN BỐ THÀNH LẬP "KHU TÂY SA", "KHU NAM SA" CỦA TRUNG QUỐC LÀ VÔ GIÁ TRỊ



Ngày 18/4/2020, Bộ Dân chính Trung Quốc thông báo Quốc Vụ viện nước này vừa phê chuẩn thành lập cái gọi là "Khu Tây Sa" và "Khu Nam Sa" trực thuộc thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam.
Việc tuyên bố các chính quyền quận này hoàn toàn không có giá trị pháp lý vì những lý do sau đây:
1. Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đã nhiều lần Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo này. Mới đây nhất, trong Công hàm gửi lên Liên Hợp Quốc ngày 30/3/2020, Chính phủ Việt Nam đã nhắc lại: “Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Việt Nam khẳng định Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (Công ước) là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc”. Theo đó, Việt Nam đã có chủ quyền lâu đời trên hai quần đảo này và được chứng minh bằng các bằng chứng lịch sử và pháp lý.
2. Mặc dù Trung Quốc đang chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và 7 cấu trúc thuộc Trường Sa, nhưng vì Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm đóng nên đã vi phạm luật quốc tế, cụ thể là Điều 2 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, theo đó “Tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của Liên hợp quốc”.
3. Tuyên bố này của Trung Quốc cũng vi phạm luật biển quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 (UNCLOS). Trong Công hàm ngày 30/3/2020, Việt Nam cũng tuyên bố rõ ràng: “các bãi ngầm, hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng". Quan điểm này dựa trên nguyên tắc quan trọng của luật biển quốc tế “đất thống trị biển”. Đây là một nguyên tắc chung của luật quốc tế, được phát triển từ luật tập quán quốc tế và qua các phán quyết của các tòa án quốc tế. Khởi đầu từ Vụ Thềm lục địa Biển Bắc năm 1969, được nhắc lại trong nhiều phán quyết sau này của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) sau đó, nguyên tắc này đã được pháp điển hóa trong quy định tại Điều 121 của UNCLOS 1982.
Trên cơ sở các nguyên tắc này, các nước liên quan sẽ không ngồi yên trước các hành động vi phạm luật pháp quốc tế ngang ngược, trắng trợn như vậy của Trung Quốc./.
Quốc Trường


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét