Ngày 18/4/2020, Đài Truyền hình Trung
Quốc - CGTN đưa tin Bắc Kinh phê chuẩn thành lập hai quận Tây Sa và Nam Sa quản
lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt
Nam theo luật pháp quốc tế). Được biết, Tây Sa và Nam Sa cũng chính là cách TQ
gọi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Hai quận mới này sẽ trực
thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa”, do TQ ngang ngược lập ra vào năm 2012.
Động thái thành lập trái phép hai quận
đảo quản lý Trường Sa và Hoàng Sa cho thấy dã tâm TQ muốn chính thức hóa sự
kiểm soát thực tế của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt
Nam. Mặc dù việc thành lập này là phạm pháp và không thay đổi thực tế là TQ vẫn
đang chiếm giữ trái phép một số đảo ở đây, nhưng TQ muốn “hợp pháp hóa” các yêu
sách về chủ quyền ở khu vực biển Đông, nằm trong lộ trình những bước đi cụ thể
để hiện thực hóa ý đồ từ chiếm giữ bất hợp pháp thành một lãnh thổ dưới quyền
kiểm soát hành chính.
Thủ đoạn của TQ là lợi dụng cả thế giới
và khu vực đang tập trung vật lộn chống dịch bệnh CoVid-19 để tiến hành các
bước leo thang phi pháp, đẩy nhanh quá trình bành trướng của họ trên biển. Tất
nhiên, dù tình hình quốc tế thế nào thì họ cũng sẽ thực hiện các bước đi này,
nhưng TQ luôn biết lựa chọn thời điểm để bảo đảm các hành động ít gây phản ứng
nhất. Do đó, các hành động trước đây của họ thường mang yếu tố bất ngờ và lợi
dụng tình huống cụ thể để đẩy nhanh quá trình bành trướng biển Đông. Dã tâm của
TQ khả năng là hoàn thành chiếm cứ biển Đông trước 2021, thời hạn dự kiến để Bộ
Quy tắc ứng xử biển Đông (COC) hoàn thành, tạo trận thế “đã rồi” trên Biển
Đông.
Từ những phân tích trên, thấy rằng nhiệm
vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc hiện nay đang đứng trước những khó
khăn, thách thức lớn. Song, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn chung sức,
đồng lòng, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ
quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, đồng thời giữ vững môi
trường hòa bình, ổn định trên biển để phát triển đất nước.
Chúng ta cần thống nhất phương châm hành
động “dĩ bất biến ứng vạn biến”, “kiên định nguyên tắc chiến lược, linh hoạt về
sách lược” trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chủ quyền biển, đảo và toàn vẹn
lãnh thổ là thiêng liêng, bất di bất dịch, không thể để bị xâm phạm, không thể
đánh đổi và không thể nhân nhượng. Các biện pháp bảo vệ chủ quyền, quyền chủ
quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo đã được triển khai mạnh
mẽ, kiên quyết vì chúng ta có chính nghĩa, song cũng phải hết sức linh hoạt,
mềm dẻo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, thời điểm cụ thể; lấy bảo vệ vững
chắc chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc và giữ vững hòa bình, ổn định để đất
nước phát triển làm mục tiêu tối thượng. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo là trách
nhiệm và nghĩa vụ của mọi người dân Việt Nam, cho nên phải phát huy sức mạnh
tổng hợp toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, sự quản lý thống
nhất của Nhà nước, có phân công, phân nhiệm rõ ràng cho từng cấp, từng lực
lượng.
Nhân dân ta từ lâu đã đúc kết: “trong
ấm, ngoài êm”. Lịch sử dân tộc nhiều lần chứng minh, khi nội bộ đoàn kết, lòng
dân hòa thuận thì biên cương, bờ cõi yên ổn. Nhưng khi trên dưới bất hòa, lòng
dân ly tán, ắt ngoại bang sẽ nhòm ngó, xâm lăng. Khi “ý Đảng” đã hợp với “lòng
dân” sẽ tạo sức mạnh vô địch, đập tan những mưu đồ của các thế lực thù địch lợi
dụng vấn đề biển, đảo chống phá nước ta; đồng thời tạo ổn định chính trị trong
nước để phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc
trong bờ, ngoài biển.
Trong thế trận hiện nay, dù rất căng
thẳng, mỗi người dân chúng ta càng cần đoàn kết, đồng lòng, sẵn sàng “tham
chiến” trên mọi “mặt trận” nói trên, tin tưởng vào Đảng, nhà nước vào quân đội,
vào những người cầm lái đất nước, không nghe theo những kẻ kích động, xúi giục,
đục nước béo cò, vô hình chung “tiếp tay” cho dã tâm của TQ, làm khó khăn thêm
cho đất nước khi đang phải đối phó với “thù trong” (là dịch bệnh) và “thù
ngoài” (là dã tâm của TQ) nói trên./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét