Thứ Tư, 22 tháng 4, 2020

CẢNH GIÁC TRƯỚC THỦ ĐOẠN CHỐNG ĐỐI CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH



          Trước mỗi sự kiện chính trị trọng đại của đất nước nhất là khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đang tới gần, sẽ là mảnh đất mầu mỡ và thời khắc quan trọng để các đối tượng thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị gia tăng các hoạt động tuyên truyền chống phá. Bản chất, mục đích của chúng không thay đổi nhưng thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn: chúng tập trung công kích, tuyên truyền chống phá vào nền tảng tư tưởng của Đảng, vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng, nguyên tắc tổ chức, cán bộ, công tác nhân sự đại hội…
          Với âm mưu gây nhiễu loạn thông tin, tạo sự hoang mang, hoài nghi trong nhân dân, gây mất niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ, tiến tới mục tiêu làm chệch đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
          Chúng tập trung tuyên truyền chống phá vào một số nội dung chủ yếu sau:
          Một là: Phủ nhận, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ nhận quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chúng tung ra đủ thứ “lý luận” nhằm cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin là một “học thuyết viển vông, ảo tưởng”, “con đường XHCN mà nhân dân Việt Nam đang đi là trái với quá trình lịch sử - tự nhiên”; việc kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin như một cái “thòng lọng ý thức hệ” khiến cho nỗ lực đổi mới chính trị của Đảng không thực hiện được…
          Hai là: chúng còn tăng cường xuyên tạc, chống phá tư tưởng Hồ Chí Minh với các thủ đoạn tinh vi, được ẩn sau những luận điệu như đối lập giữa Tư tưởng Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Mác - Lênin.
          Ba là: chúng còn đưa ra các luận điệu công kích đường lối phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước ta. Chúng cho rằng kinh tế thị trường là kinh tế tư bản chủ nghĩa, không thể có kinh tế thị trường định hướng XHCN, đường lối phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN là “chắp vá”, “không tưởng”; “kinh tế thị trường và CNXH mâu thuẫn như nước với lửa, không thể dung hòa, không thể nào có định hướng XHCN nếu chấp nhận phát triển kinh tế thị trường…”.
          Bốn là: lợi dụng việc đóng góp ý kiến các dự thảo văn kiện, chúng còn đưa ra những luận điệu kiểu như: Việt Nam cần “đi tìm chủ thuyết mới” để phát triển .
          Năm là: Trong những năm gần đây, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ do Đảng phát động đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Thế nhưng, các đối tượng thù địch, phản động, những phần tử cơ hội chính trị lại xuyên tạc rằng, “tham nhũng là sản phẩm tất yếu của chế độ công hữu tư liệu sản xuất, chuyên chế độc đảng”, “còn chế độ công hữu, chế độ độc đảng thì không chống được tham nhũng”.
          Có thể thấy, những luận điệu trên tuy không mới nhưng lại được núp bóng “góp ý”, “kiến nghị” với Đảng, Nhà nước và được tung ra trong thời điểm trước đại hội nên hết sức độc hại, gieo rắc hoang mang, nghi ngờ, phân tâm trong nội bộ, trong nhân dân. Nếu chúng ta lơ là, mất cảnh giác, hoặc non kém về nhận thức chính trị có thể lầm tưởng và cho đó là sự góp ý trách nhiệm, tâm huyết, thậm chí bị “dẫn dắt” và tin theo./.
Phương Sáng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét