Thứ Năm, 16 tháng 4, 2020

VÔ PHÁP SẼ PHẢI TRẢ GIÁ RẤT ĐẮT



Chỉ thị 16 về cách ly xã hội vẫn còn nguyên giá trị nhưng sau khi có dấu hiệu giảm số lượng ca mắc mới, người dân đã chủ quan đổ ra đường như thể đại dịch đang ở đâu rất xa đất nước này.
Chỉ 1 ca mắc ở Hạ Lôi là bệnh nhân 243 đã khiến hơn 10.000 dân ở Hạ Lôi bị phong tỏa 28 ngày. Biết bao tiền của mà nhà nước phải chi ra để lo tiền ăn cho hơn 1 vạn dân trong 28 ngày? Và suốt gần 1 tháng không thể ra khỏi nhà, người dân Hạ Lôi phải chịu thiệt hại về việc làm, thu nhập như thế nào thì ai cũng có thể tính được.
Cùng với đó, một phó trưởng Công an phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tiếp xúc gần với bệnh nhân 243 rồi về sinh hoạt tại đơn vị nên toàn bộ công an phường này (19 người) phải cách ly y tế.
Tại tỉnh Hà Nam, chỉ 1 bệnh nhân 251 mà ngày 8-4 tỉnh đã phải phong tỏa và cách ly cả  thôn Ngô Khê, xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, là nơi cư trú của bệnh nhân số 251. Bệnh viện Đa khoa Hà Nam đã phải cách ly 45 nhân viên y tế, phong tỏa Khoa Nội Tiêu hóa nơi bệnh nhân 251 đang điều trị.
Hệ lụy là vậy, nhưng mấy hôm nay, báo chí liên tục đưa tin người dân Hà Nội và TPHCM ùn ùn ra đường, cứ như không hề có dịch Covid-19 đang diễn ra.
Cơm áo, gạo tiền ư? Ai cũng cần, ai cũng lo. Nhưng dịch đang ở ngoài cộng đồng rồi. Chúng ta không ai biết chắc rằng mình sẽ bị lây nhiễm ở đâu, lúc nào. Và nếu cứ vô pháp đi lại, tiếp xúc như này, 1 người bị sẽ kéo theo hệ lụy về việc làm, miếng cơm manh áo không chỉ của cá nhân gia đình người đó mà là hệ lụy cho cả hàng trăm, hàng ngàn gia đình khác nữa.
Vô pháp sẽ phải trả giá. Vậy thì hãy lựa chọn đi: bất tiện cho 1 người hay thiệt hại cho ngàn người và nhà nước phải chi ra hàng đống tiền mà đáng lẽ không phải chi, trong bối cảnh ngân sách đang còm cõi./.
Đức Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét