Bên cạnh đại dịch Covid-19, tình hình biển Đông gần
đây với nhiều diễn biến phức tạp đã thu hút sự quan tâm của dư
luận. Đó là, ngày 18-4, Trung Quốc công bố việc thành lập “quận Tây Sa” (tức
quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của
Việt Nam), trực thuộc thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.
Qua nghiên cứu, đối chiếu với những quy định của Công
ước của Liên hiệp quốc (LHQ) về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), Luật Biển Việt
Nam năm 2012 cũng như các tiền lệ pháp luật, đặc biệt là Phán quyết của Tòa
Trọng tài quốc tế The Haye năm 2016, có thể khẳng định: Việc làm của Trung Quốc
là vi phạm luật pháp quốc tế; vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam,
không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị
giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình biển Đông, khu vực và thế
giới.
Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, có chủ quyền, quyền
chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở biển Đông được xác định
theo đúng các quy định của UNCLOS 1982 mà Việt Nam và các nước ở khu vực biển
Đông đều là thành viên. Do đó, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển
Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan UNCLOS 1982, pháp luật Việt
Nam. Nói cách khác, Trung Quốc cố tình làm như vậy là bất chấp pháp luật và dư
luận quốc tế. Đó chính hành động “mượn gió” để “bẻ măng” và nhiều khả năng,
thời gian tới, nhất là thời kỳ hậu đại dịch Covid-19, Trung Quốc sẽ triển khai
nhiều chính sách đi ngược với luật pháp quốc tế để thực hiện âm mưu “độc chiếm
biển Đông”. Trung Quốc sẽ sử dụng sức mạnh để chiếm đóng thêm các thực thể địa
lý hoặc tạo ra tại hiện trường “sự đã rồi” nằm trong khu vực quần đảo Trường
Sa, trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa của các nước xung quanh
biển Đông nhằm hợp thức hóa yêu sách “đường lưỡi bò”, gây sức ép buộc các nước
phải chấp nhận yêu sách phi lý của họ.
Chính vì vậy, các nước khu vực, thế giới cần cùng nhau
chia sẻ và kiên trì tận dụng các thuận lợi để có được phương án đấu tranh và
hành xử có hiệu quả, thận trọng trong nghiên cứu, đánh giá mọi tình huống một
cách thật sự khách quan, khoa học. Muốn thực hiện được vấn đề quan trọng này,
chúng ta cần tiếp tục công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao kiến thức cơ bản
về chính trị, pháp lý liên quan đến việc xác lập và bảo vệ các quyền và lợi ích
hợp pháp của các quốc gia ven biển theo quy định của luật pháp quốc tế, đặc
biệt là UNCLOS 1982. Nếu kiến thức về biển đảo của cán bộ và nhân dân được nâng
cao thì mọi phương án đấu tranh và phương cách hành xử sẽ thích hợp, hiệu quả
và cũng chính là yếu tố cơ bản tạo lập, củng cố niềm tin chiến lược, cơ sở để
gắn kết khối đoàn kết vững chắc trong cộng đồng.
Thời gian qua, các nước trên thế giới và khu vực, nhất
là Hoa Kỳ, Philippines đã kịp thời lên tiếng ủng hộ lập trường của Việt Nam,
lên án mạnh mẽ những hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong biển Đông. Nội
dung trong các tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao gần đây, đặc biệt là
nội dung Công hàm ngày 30-3 của Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ gửi Tổng
thư ký Liên hiệp quốc cũng đã thể hiện lập trường, quan điểm pháp lý một cách
chính xác, rõ ràng, cụ thể là về vấn đề biển Đông, với Hoàng Sa và Trường Sa
của Việt Nam.
Chúng ta cũng cần tiếp tục công khai các thông tin
đúng sự thật, nói rõ đúng sai, thượng tôn pháp luật, thể hiện thiện chí và
trách nhiệm của Việt Nam đối với khu vực và thế giới, góp phần tranh thủ sự
đồng tình, ủng hộ của nhiều người Việt ở nước ngoài, cũng như cộng đồng quốc tế
trong vấn đề này. Khi Việt Nam có chính nghĩa và thiện chí, các nước khác sẽ
ủng hộ Việt Nam. Khi dư luận quốc tế ủng hộ Việt Nam, đó là nguồn sức mạnh giúp
chúng ta bảo vệ và quản lý được các quyền và lợi ích hợp pháp trên biển Đông
trong tình hình hiện nay. Dù Trung Quốc dù có tham vọng và toan tính như thế
nào trên biển Đông thì chắc chắn cũng sẽ không thành công./.
Đức Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét