Hiện nay có một số người có tư tưởng
Việt Nam nên dựa vào Mỹ để thoát Trung và ngược lại.
Xin ngắn gọn và nói rằng Việt Nam là
quốc gia độc lập, có đường lối ngoại giao độc lập, không lệ thuộc vào bất cứ
quốc gia nào khác, hay nói một cách khác, đỉnh cao “nghệ thuật” của ngoại giao
Việt Nam được gói gọn trong cụm từ “đối tác – đối tượng”.
Trong “đối tác” có “đối tượng”, trong
“đối tượng” ẩn chứa những mặt, những cơ hội, yếu tố có thể tận dụng, chuyển hóa
thành “đối tác”.
Nói thì ngắn gọn như vậy, nhưng để tìm
hiểu nghệ thuật ngoại giao của Việt Nam thì không hề đơn giản, ngay cả những
nhà ngoại giao kỳ cựu trên thế giới, những “con cáo già” thuộc dạng bậc thầy về
ngoại giao phương Tây còn phải ngán ngẩm và chịu thua những nhà ngoại giao Việt
Nam, ẩn sau những con người nhỏ bé đó với những cử chỉ lịch thiệp, tao nhã là
cả bề dày văn hóa, là sự linh hoạt, quyết đoán, nhẹ nhàng, sâu sắc, kiểu “lạt
mềm buộc chặt”, lấy độc lập dân tộc, lợi ích dân tộc Việt Nam là cái bất biến,
để dĩ vạn biến trong ngoại giao.
Mấy ngày gần đây, Bộ Ngoại giao Mỹ có
các tuyên bố về các hành động phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông, trong đó
phía Mỹ nhắc đến hai trường hợp, một là trường hợp tàu Trung Quốc đâm chìm tàu
cá Việt Nam, hai là trường hợp Trung Quốc đặt trạm nghiên cứu trái phép tại
Hoàng Sa.
Nhiều người hay nghĩ theo một câu nói
đậm chất phim ảnh thế này: “Kẻ thù của kẻ thù là bạn”, ở đây, trong góc nhìn
của một số người Việt, Mỹ coi Trung Quốc là kẻ thù và ngược lại, nếu theo lý
thuyết trên, Mỹ hoàn toàn có thể là một người bạn của Việt Nam trong cuộc chiến
đấu đòi lại chủ quyền lãnh thổ.
Nhưng thực tế, cái tuyên bố mà phía Mỹ
vừa đưa ra không hề khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam,
phía Mỹ đã lồng ghép khéo léo yếu tố “gây bất lợi cho các nước Đông Nam Á”, có
mục đích ngầm khẳng định rằng đây là vùng biển “tranh chấp quốc tế”, tuyên bố
như vậy tức là đã phủ quyết chủ quyền hợp pháp của Việt Nam tại hai quần đảo
này.
Đồng ý và tung hô cái ý kiến này, tức là
đã chấp nhận rằng đây là vùng biển của quốc tế có tranh chấp, đã phủ nhận lập
luận đanh thép của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Ngày 26/03/2020, bà Lê Thị Thu Hằng,
phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Việt Nam phát biểu có đoạn: "Theo đó, mọi
hoạt động tại hai quần đảo này phải có sự cho phép của Việt Nam”.
Nhiều người hay nghĩ rằng Mỹ sẽ giúp
Việt Nam, thậm chí còn mong rằng Việt Nam sẽ cho Mỹ thuê quân cảng nhất nhì
Đông Nam Á là Cam Ranh làm căn cứ quân sự. Thậm chí, một ý tưởng táo bạo hơn
được tô vẽ ra, đó là việc Mỹ sẽ đánh Trung Quốc vì Việt Nam. Điều này không
khác gì tư tưởng trông chờ ngoại bang “ban phát” chủ quyền dân tộc, điều mà các
tiền nhân chưa bao giờ làm và sẽ không bao giờ cho phép làm.
Trong những giờ phút hoạn nạn vì đại
dịch thế này, hãy nhìn cách “anh cả” Mỹ đối xử với đồng minh phương Tây thân
cận như thế nào. Hay gần đây, anh bạn hàng xóm Philippines từng nghĩ rằng Mỹ sẽ
vào điều động quân đội nếu phía Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough, đúng là
Mỹ đã vào cuộc, nhưng Mỹ vào cuộc bằng cách im lặng cho Trung Quốc chiếm đóng
mặc lời khẩn cầu từ phía Philippines. Hai tháng sau từ thời điểm “sang tên đổi
chủ” bãi cạn, ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc hân hoan bắt tay nhau trong một
cuộc họp song phương còn Philippines thì chẳng thể làm gì hơn việc thưa kiện
Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Nhưng khổ nỗi, con người sai thì có tòa án xử,
nhưng chẳng có tòa án nào xử được những quốc gia siêu cường cả, ngay cả Liên
Hợp Quốc, cũng bị chi phối bởi lợi ích của các nước lớn.
Mỹ luôn tìm kiếm một nước có thể đối đầu
trực diện, lâu dài với Trung Quốc ở Biển Đông để giúp Mỹ thực hiện những mưu đồ
chính trị của mình, đất nước đó phải hội tụ đủ yếu tố về quân sự, chính trị,
địa lý, pháp lý… lướt qua danh sách trên, Mỹ loại bỏ hết các nước, duy chỉ còn
lại nước Việt Nam. Hơn ai hết Mỹ hiểu rõ sức mạnh tổng thể của quốc gia và cái
chất của người Việt Nam nó mạnh mẽ như thế nào, nếu được cái gật đầu của Việt
Nam thì Mỹ sẽ ăn mừng lớn lắm, kê cao gối mà ngủ. Nhưng không, Việt Nam có trí
tuệ của Việt Nam có đối sách, sách lược, chiến lược vượt qua mấy thứ thủ thuật
này của Mỹ nhiều lắm. Và nếu Việt Nam chọn một phe để theo, phe phương Tây hay
phương Đông, phe Mỹ hay phe Trung Quốc thì chắc chắn phe còn lại sẽ không để
chúng ta yên phận. Bài học Ucraina khi rũ bỏ gấu Nga, ngả về phương Tây rồi hậu
quả mà quốc gia này phải chịu là kinh tế ngày càng yếu kém, quyền tự quyết
không có, phương Tây không chấp nhận để Ucraina gia nhập EU, bán đảo Crưm thì
bị Nga thu hồi.
Việt Nam đã chiến đấu với Trung Quốc cả
ngàn năm nay, Việt Nam rất hiểu Trung Quốc và Trung Quốc cũng rất hiểu Việt
Nam. Bực mình thằng hàng xóm thì có thể bán đất để chuyển nhà, nhưng làm sao mà
bốc cả đất nước Việt Nam di chuyển đi chỗ khác được?
Hôm nay chúng ta đang phải sống gần lão
láng giềng xấu bụng, con cháu chúng ta vẫn phải sống cạnh Trung Quốc, vì vậy
khéo léo, mềm mỏng, kiên quyết, kiên trì là điều không thể thiếu đối với Việt
Nam, từ lịch sử xa xưa cho đến hiện đại.
Người nào muốn Việt Nam theo Mỹ thì cứ
nhìn bài học của Philippines, Thái Lan hay Ucraina đấy. Còn những kẻ nào mơ về
hạnh phúc cùng anh bạn phương Bắc hãy nhìn thật kỹ những mưu đồ dưới con đường
tơ lụa là những “bẫy nợ”, sự đánh đổi quyền dân tộc, mà nhiều nước khi nhận ra
đã “há miệng, mắc quai”.
Hơn bao giờ hết Việt Nam cần hết sức
cảnh giác, linh hoạt, khéo léo. Thế mới thấm và hiểu hơn trí tuệ của Đảng, Nhà
nước ta trong xác định “đối tác, đối tượng”, phải nói một sự nhìn nhận rất thấu
đáo và vượt thời gian, không gian của Đảng ta, và trong thời điểm dịch bệnh hiện
nay lại thấy niềm tin, lòng yêu nước của nhân dân ta mạnh mẽ đến nhường nào./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét